Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024 liên quan đến các vấn đề về hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn; Luật Đường bộ; các quy định pháp luật liên quan đến đường cao tốc cần cụ thể hơn.
Tại Văn bản số 3227/BGTVT-PC ngày 27/3/2024 của Bộ GTVT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh ghi rõ: Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024, nội dung kiến nghị như sau:
1. Nội dung kiến nghị: Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ.
2. Cử tri kiến nghị một số điều của Luật Đường bộ ( chi tiết trong câu trả lời)
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm, góp ý đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nói chung, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
- Đối với nội dung kiến nghị nghiên cứu hoàn thiện pháp luật bảo hiểm, Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ.
- Đối với nội dung cử tri kiến nghị về Luật Đường bộ:
a. Cử tri cho rằng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 40 là chưa phù hợp, vì công trình đường bộ cần được sửa chữa nâng cấp theo định kỳ, không chờ đến khi đường xuống cấp, hư hỏng thì mới sửa chữa; cần quan tâm đến tuổi thọ công trình để có phương án kịp thời sửa chữa nâng cấp phục vụ cho phát triển kinh tế của địa phương và của vùng.
Về nội dung kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu và chỉnh lý tại khoản 4 Điều 39 dự thảo Luật Đường bộ: “4. Sửa chữa định kỳ bao gồm: 2 a) Sửa chữa khiếm khuyết, hư hỏng công trình, hạng mục công trình, thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình bị hư hỏng được thực hiện định kỳ về thời hạn hoặc tần suất khai thác, sử dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì được duyệt; …”. Như vậy, hiện nay dự thảo Luật Đường bộ quy định việc sửa chữa định kỳ được thực hiện định kỳ về thời hạn hoặc tần suất khai thác, sử dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì đã được duyệt
b. Tại điểm b khoản 4 Điều 44 quy định “Hệ thống kiểm soát tải trọng xe được xây dựng, lắp đặt tại khu vực trạm thu phí hoặc vị trí cần thiết khác do Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên đường bộ thuộc phạm vi quản lý”, cử tri cho rằng không nên lắp đặt hệ thống kiểm soát tải trọng xe tại khu vực trạm thu phí vì lượng xe nơi đây khá cao, nếu có trường hợp vi phạm tải trọng thì sẽ ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông.
Về nội dung kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu và chỉnh lý tại điểm b khoản 3 Điều 39 dự thảo Luật Đường bộ: “4. Công trình kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ: .... b) Công trình kiểm soát tải trọng xe do Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên đường bộ thuộc phạm vi quản lý; …” Như vậy, hiện nay dự thảo Luật Đường bộ chỉ quy định công trình kiểm soát tải trọng xe do Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên đường bộ thuộc phạm vi quản lý, không còn quy định phải lắp đặt tại khu vực trạm thu phí.
c. Cử tri đề nghị các quy định pháp luật liên quan đến đường cao tốc cần cụ thể hơn, vì trong thời gian tới các tuyến cao tốc sẽ được xây dựng và phát triển nhiều hơn hiện nay. Về nội dung kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu và kết cấu các quy định về đường cao tốc thành 01 Chương riêng (Chương III) trong dự thảo Luật Đường bộ để quy định các chính sách đặc thù đối với đường cao tốc nhằm tạo cơ chế phát triển mạng lưới đường cao tốc.
d. Cử tri đề nghị quan tâm, dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận đối với dự án luật này vì đây là dự án luật mới có nhiều vấn đề cần được thảo luận kỹ. Về nội dung kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải tiếp và sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật Đường bộ để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.