Hệ thống trạm dừng, nhà chờ xe buýt tại Hải Phòng được thành phố đầu tư nhiều kinh phí xây dựng, nâng cấp. Tuy nhiên, hiện nhiều trạm bị hư hỏng hoặc bị chiếm dụng làm điểm bán hàng, quảng cáo rao vặt, mất mỹ quan đô thị.
Nhà chờ xe buýt trên phố Lạch Tray (quận Ngô Quyền), đối diện Trường đại học Hàng hải Việt Nam xuống cấp, nhếch nhác.
Xuống cấp nghiêm trọng
Trên các phố Lạch Tray, Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền), Nguyễn Văn Linh, Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân), Hùng Vương (quận Hồng Bàng), Phạm Văn Đồng (quận Đồ Sơn)… không khó nhận thấy nhiều trạm dừng, nhà chờ xe buýt bị hư hỏng. Các tấm, mái che bị vỡ, bẩn và han gỉ. Khung một số trạm được tận dụng thành nơi dán các loại biển quảng cáo miễn phí. Một số điểm chờ khác như tại các tuyến đường Lạch Tray, Lê Thánh Tông, Phạm Văn Đồng lại biến thành "bãi đỗ xe" của các tài xế xe ôm hoặc trở thành nơi tập kết hàng hóa, bán hàng nước chè, nước mía... Rác thải xả ngay ra bên cạnh, gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường. Do đó, người dân chờ, đón xe buýt thường đứng cách xa nhà chờ xe buýt vài mét vì cảnh mất vệ sinh tại các điểm này.
Nhận xét về tình trạng này, sinh viên Trần Ngọc Phong, Trường đại học Hàng hải Việt Nam cho biết: Các điểm chờ xe rất hôi và bẩn, hoặc bị người dân chiếm dụng bán hàng, nhất là các điểm trên phố Lạch Tray, gần Trường đại học Hàng hải Việt Nam. “Tôi giảm dần việc sử dụng dịch vụ xe buýt một phần vì việc các điểm chờ, đón xe buýt ô nhiễm, bất tiện”.
Đồng chí Trần Phương, Phó chủ tịch UBND phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) cho biết: Địa phương thường xuyên ra quân xóa bỏ tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè ở phố Lạch Tray thuộc địa bàn phường, trong đó có các nhà chờ xe buýt. Tuy nhiên những người buôn bán hàng rong này hoạt động không cố định, lúc lực lượng chức năng xuất hiện thì họ nhanh chóng di chuyển đến địa bàn khác, gây khó cho việc duy trì trật tự đường hè.
Thống kê của Sở GTVT, toàn thành phố hiện có 58 nhà chờ xe buýt được xây dựng từ năm 2013, 2014 thuộc quản lý của Sở GTVT. Năm 2015, 25 nhà chờ xe buýt thuộc tuyến xe buýt số 1, số 2 chạy tuyến Bến Bính- Vĩnh Bảo, Tiên Lãng được Sở GTVT bàn giao cho Công ty Đường bộ quản lý cùng với dự án phát triển đô thị. 23 nhà chờ xe buýt còn lại, tập trung chủ yếu trong khu vực trung tâm thành phố vẫn do Sở GTVT quản lý.
Có phương án khai thác phù hợp
Đồng chí Trần Văn Cao, Phó giám đốc Trung tâm quản lý, bảo trì giao thông công cộng và đăng kiểm thủy (Sở GTVT) cho biết: Đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, trông coi các nhà chờ xe buýt khu vực nội thành. Các nhà chờ này được đầu tư nhiều năm nên xuống cấp, lạc hậu, hư hỏng, một số nhà chờ xe buýt bị người dân chiếm dụng làm nơi bán hàng rong. Ngày 28/10/2019 vừa qua, Sở GTVT có đề xuất UBND thành phố phê duyệt kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các nhà chờ xe buýt này trong năm 2020 nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng, khai thác của hành khách cũng như các đơn vị vận tải xe buýt. Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường quản lý các nhà chờ xe buýt, phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, kiểm tra, phát hiện, nhắc nhở và xử phạt nghiêm những hành vi lấn chiếm bán hàng hay xả rác nơi công cộng tại các trạm dừng, nhà chờ xe buýt này.
Thiết nghĩ, để người dân lựa chọn đi lại bằng phương tiện xe buýt công cộng, góp phần kéo giảm lượng xe cá nhân lưu thông trên đường thì việc nâng cấp các điểm chờ xe buýt là rất cần thiết. Thực tế, tại nhiều thành phố khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, một số nhà chờ xe buýt được đầu tư chỉnh chu để khai thác hoạt động quảng cáo hợp pháp từ các doanh nghiệp. Nguồn thu này lại được tái đầu tư lại cơ sở vật chất và hoạt động xe buýt. Đây là phương án rất phù hợp, nên được xem xét ứng dụng tại Hải Phòng.