Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng giải pháp thu hút người đi xe buýt

Thứ sáu, 24/07/2020 08:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quyết tâm vượt qua những khó khăn trước mắt, ngành Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và hiện đại hóa hệ thống xe buýt. Từ đó, thu hút nhiều người sử dụng xe buýt khi tham gia giao thông.

Ngành GTVT thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp để xe buýt trở thành PTVTCC hữu dụng.

Số người đi xe buýt liên tục giảm

Theo thống kê từ Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 128 tuyến xe buýt. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến năm 2018, lượng hành khách đi xe buýt giảm trung bình 6,65%/năm. Riêng năm 2019, giảm tới hơn 12% so với năm 2018. Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong hơn 6 tháng đầu năm 2020. Theo Trưởng phòng Quản lý dịch vụ vận tải đường bộ (Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Đỗ Ngọc Hải, tính đến đầu tháng 7/2020, lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt chỉ đạt 57,32 triệu lượt, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 21% kế hoạch cả năm 2020.

Từ góc độ người sử dụng dịch vụ, ông Bạch Ngọc Lâm (71 tuổi, trú tại quận Thủ Đức) chia sẻ: “Tôi thấy đi xe buýt rất tiện lợi, nhưng mấy năm qua số xe cũ tăng lên, trong khi các phương tiện khác như xe công nghệ lại tiện hơn, chủ động hơn nên tôi dần ít đi xe buýt”.

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, nguyên nhân khiến xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh hoạt động chưa như mong muốn là do cơ sở hạ tầng còn hạn chế khi thành phố hiện có khoảng 70% tuyến đường xuyên qua các khu đông dân cư có chiều rộng dưới 5m, dẫn đến khó tổ chức chạy xe buýt; khoảng 33% xe buýt có niên hạn 10 năm, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Hơn nữa, việc thu hút các nguồn lực xã hội tham gia kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng còn hạn chế.

Nguyên nhân khác là một số tuyến dù được trợ giá nhưng vẫn không đủ trang trải hoạt động. Thành phố chưa có cơ chế khuyến khích, ưu đãi các đơn vị vận tải đẩy nhanh việc thay mới phương tiện. "Chưa kể, xe buýt còn đang chịu sự cạnh tranh của các loại hình xe công nghệ. Trong nửa đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên kết quả hoạt động xe buýt càng chưa như kỳ vọng", ông Đỗ Ngọc Hải nhấn mạnh.

Vì sự thuận tiện cho hành khách

Để thu hút người dân đi xe buýt, ngành Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh xác định phải tạo được thuận lợi cho người sử dụng. Sở đang thực hiện 3 giải pháp chính, gồm: Tăng cường cơ sở hạ tầng cho xe buýt; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xe buýt và đấu giá tuyến xe buýt để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư xe mới, tuyến mới. Về tăng cường cơ sở hạ tầng, ông Đỗ Ngọc Hải cho biết, Sở đang tiếp tục hoàn thành các dự án bến bãi xe buýt, điểm đầu mối trung chuyển hành khách tại huyện Nhà Bè (rộng 19.000m2); xây dựng bến xe buýt Hóc Môn (rộng hơn 10.000m2)... Ngoài ra, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng đang đề xuất 7 dự án cải tạo nâng cấp các điểm dừng xe buýt trên địa bàn quận, huyện theo hướng hiện đại.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, Sở Giao thông vận tải thành phố vừa triển khai ứng dụng Go!bus nhằm cung cấp thông tin hoạt động của xe buýt theo thời gian thực qua internet. Bạn Nguyễn Thị Hải Yến, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét: "Giờ đi xe buýt tiện như đi xe công nghệ. Tôi biết trước giờ xe đến, điểm chờ, giá tiền và thời gian đi xe. Thế nên, tôi sẽ tiếp tục chọn lựa xe buýt làm phương tiện di chuyển chính".

Về tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt thay cho trợ giá nhằm nâng chất lượng phục vụ, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai 6 đợt đấu thầu cho 40 tuyến xe buýt, dự kiến tiến hành trong Quý III/2020. Các tuyến xe buýt được đưa ra đấu thầu nằm trong kế hoạch rà soát sắp xếp lại mạng lưới tuyến cho phù hợp, giảm trùng lặp và tăng độ bao phủ xe buýt. Ngoài ra, để xe buýt trở thành phương tiện vận chuyển hành khách công cộng hữu hiệu, Sở đang triển khai đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân”.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin thêm, thành phố sẽ thực hiện 17 nhóm giải pháp thu hút người dân di chuyển bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng trong đó có việc thiết lập 1 tuyến xe buýt nhanh BRT; phát triển hệ thống xe buýt dưới 17 chỗ ở các tuyến ngách, vận chuyển khách ra tuyến chính tiếp tục đi xe buýt loại to hơn; bố trí làn đường riêng cho xe buýt… "Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hoàn chỉnh tiêu chuẩn thẻ vé dùng chung cho các loại giao thông công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách. Mục tiêu là xe buýt đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2025 và tăng lên 25% vào năm 2030", ông Trần Quang Lâm thông tin.

kimcuc

Nguồn: Hà Nội mới

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)