Chiều 10/9 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương họp khẩn cấp để bàn các biện pháp đối phó với cơn bão số 7 mới hình thành tối qua trên biển Đông. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì cuộc họp.
Chiều 10/9 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương họp khẩn cấp để bàn các biện pháp đối phó với cơn bão số 7 mới hình thành tối qua trên biển Đông.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, hiện nay, hướng đi của cơn bão số 7 phức tạp, với tốc độ di chuyển nhanh. Trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc và còn có khả năng mạnh thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương từ Quảng Ninh đến Quảng Trị. Đây cũng là vùng nguy hiểm được các thành viên trong Ban chỉ đạo đặc biệt lưu ý để các địa phương trong khu vực này có biện pháp phòng chống khẩn trương ngay trong chiều và đêm nay.
Tại cuộc họp đại diện lãnh đạo Bộ quốc phòng cho biết: đến nay, trên vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi có hơn 22.000 tàu thuyền với gần 100.000 lao động đang hoạt động trên biển đã được bộ đội biên phòng thông báo, hướng dẫn để neo đậu tàu thuyền và tìm nơi tránh trú bão an toàn. Còn 3 tàu với 33 ngư dân của Hải Phòng hiện chưa liên lạc được. Lực lượng biên phòng đang nỗ lực cao nhất để tìm kiếm bằng được 3 tàu này trước khi bão số 7 ảnh hưởng trực tiếp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương lưu ý các địa phương từ Quảng Ninh đến Quảng Trị khẩn trương ngay chiều nay có phương án đối phó, kêu gọi các tàu thuyền đánh bắt cá. Hướng dẫn các tàu vận chuyển khách du lịch vào bờ tránh bão, đảm bảo an toàn cho các du khách. Các tỉnh từ Ninh Bình đến Quảng Ngãi đến nay mới thu hoạch được hơn một nửa diện tích lúa mùa, lúa hè thu cần nhanh chóng thu hoạch tiếp theo phương châm” xanh nhà hơn già đồng”. Lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn phải sẵn sàng, bên cạnh phương tiện sẵn có, các địa phương cần huy động lực lượng nhân dân tham gia ứng cứu; thành lập các đội cứu hộ tình nguyện để cùng lực lượng công an, quân đội ứng trực.
Đặc biệt Bộ trưởng Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 7 các địa phương cần theo dõi Đài TNVN vì hiện nay Đài TNVN đã phủ sóng biển Đông. Bộ trưởng đánh giá: đây là phương tiện hữu hiệu để theo dõi diễn biến của bão, bà con ngư dân cần chú ý theo dõi các bản tin của đài TNVN để thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động có phương án neo đậu tàu, thuyền, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh trú an toàn. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cũng đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn các công trình thuỷ lợi như: Cửa Đạt, Thanh Hoá, Hồ Rào Đá, tỉnh Quảng Bình; hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế; hồ Nước Trong, tỉnh Quảng Ngãi. Đối với những hồ đập đã xảy ra sự cố như đập Z20, Đá Bạc ở Hà Tĩnh đã được tháo cạn nước, tránh những nguy cơ xảy ra khi có mưa to sau bão.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Khẩn cấp nhất là kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh bão. Đài TNVN, Đài THVN phát liên tục các bản tin dự báo thời tiết và cảnh báo người dân, Bộ Giao thông chỉ đạo duyên hải tăng tần suất để thông tin, bộ Ngoại giao có thêm công hàm. Đơn vị thuỷ sản phát huy tối đa công suất kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền. Các địa phương phải làm kiểm đếm lại toàn bộ số tàu thuyền đang đánh bắt cá ở ngoài biển có phương án di chuyển. Đối với các tỉnh miền Trung tiếp tục có mưa, vẫn tiếp tục cảnh báo chống lũ”./.
VOVNEWS