Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mùa mưa bão năm 2012, Yên Bái chịu ảnh hưởng không lớn bởi hầu hết các cơn bão đều không đổ bộ trực tiếp vào địa bàn, ít những trận mưa lớn kéo dài… Mặc dù vậy, do mưa nhiều ngày và xảy ra lốc xoáy tại khu vực miền núi đã ảnh hưởng tới một số tuyến đường, gây khó khăn trong việc đi lại của nhân dân.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mùa mưa bão năm 2012, Yên Bái chịu ảnh hưởng không lớn bởi hầu hết các cơn bão đều không đổ bộ trực tiếp vào địa bàn, ít những trận mưa lớn kéo dài… Mặc dù vậy, do mưa nhiều ngày và xảy ra lốc xoáy tại khu vực miền núi đã ảnh hưởng tới một số tuyến đường, gây khó khăn trong việc đi lại của nhân dân.
Trên tuyến quốc lộ 32, 37, do ảnh hưởng của đợt mưa cuối tháng 6 và đầu tháng 7, tháng 8 và trung tuần tháng 9 đã xảy ra sụt lở một số vị trí ta luy dương. Quốc lộ 37 sụt ta luy dương từ Km330+100 đến Km338+800 với tổng số 66 điểm sụt; sụt ta luy âm Km317+100, Km328+600, Km350+300; quốc lộ 32 sụt ta luy dương nhiều vị trí từ Km154+400 đến Km331+800, sụt ta luy âm các vị trí Km231+400, Km233+520, Km247+650… lún trồi nền đường Km219+900, Km295+370.
Trên các tuyến đường tỉnh, một số tuyến bị sụt ta luy dương nhiều điểm như ĐT 170 (Yên Thế - Vĩnh Kiến), ĐT 167, ĐT 165…, sự cố trôi ngầm Ngòi Sọng trên ĐT 170. Để khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, ngành giao thông vận tải đã kịp thời huy động lực lượng và các trang thiết bị đào đắp đất đá, cắm cọc tiêu, nhanh chóng bảo đảm giao thông trở lại bình thường.
Năm nay, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết sẽ khắc nghiệt và có những diễn biến phức tạp hơn. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, ngay từ đầu năm, ngành giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra thực trạng các tuyến đường, các công trình trên tuyến và hệ thống an toàn giao thông, từ đó xây dựng và triển khai kế hoạch bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa đường bộ kịp thời. Việc sửa chữa tập trung được chỉ đạo thực hiện ngay từ quý I và II chứ không dàn trải như trước.
Theo ông Đỗ Nhân Nghĩa - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, đây là điểm mới trong công tác duy tu, sửa chữa đường bộ năm nay nhằm chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Thực hiện chỉ đạo đó, các đơn vị quản lý đường bộ đã chủ động và thường xuyên đôn đốc các hạt giao thông thực hiện kế hoạch năm, xây dựng phương án phòng chống lụt bão.
Đến hết qúy I, các đơn vị trên phải đào rãnh, vá lề, sửa chữa mặt nhựa, xây rãnh một số đoạn đường thuộc quốc lộ 32, quốc lộ 37 và quốc lộ 32C, xử lý sụt ta luy dương 44.847m3 ở 287 điểm, sụt ta luy âm 193m dài ở 21 vị trí, xử lý mặt đường 474,8m2; xử lý sụt ta luy dương đường tỉnh 24.813m3 239 điểm, sụt ta luy âm 335m dài/406 rọ ở 7 vị trí, xử lý mặt đường 12.782m2.
Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các đơn vị quản lý đường bộ đã thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng chống lụt bão. Đến nay, mỗi đơn vị quản lý đường bộ tổ chức, biên chế tại mỗi hạt 1 đội xung kích gồm 10 người luôn sẵn sàng “chiến đấu”; vật tư, thiết bị, xe máy được bố trí tại 3 khu vực có thể hoạt động độc lập gồm 2.000 lít xăng dầu, 500 rọ thép, 800m3 đá hộc, dàn cầu thép 2 bộ, 10 ôt tô, 6 máy xúc, 3 máy ủi.
Tại khu vực Yên Bái, Công ty TNHH MTV Quản lý và Xây dựng đường bộ II chuẩn bị 500 lít xăng dầu, 200 rọ thép, 200m3 đá hộc, 2 bộ dàn cầu thép dài 60m, 5 ôt tô, 3 máy xúc, 1 máy ủi. Tại khu vực Nghĩa Lộ và huyện Mù Cang Chải, do Công ty TNHH MTV Quản lý và Xây dựng đường bộ I quản lý cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị chủ động phòng chống lụt bão.
Những nỗ lực của cán bộ, công nhân các đơn vị quản lý đường bộ thời gian qua không chỉ làm bền đẹp thêm cho những con đường mà còn tạo cơ sở quan trọng cho việc đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Tuy nhiên, để bảo vệ những công trình giao thông cần sự phối hợp từ phía chính quyền các cấp và nhân dân địa phương.
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay đối với các cấp, các ngành là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này như không lấn chiếm hành lang, làm ảnh hưởng tới lòng, lề đường, bảo vệ cọc tiêu, biển báo an toàn giao thông và chủ động khơi thông hệ thống thoát nước mặt đường. Trong mùa mưa bão, khi phát hiện sự cố cần thông báo kịp thời cho ngành chức năng hoặc chính quyền địa phương. Có như vậy, việc xử lý sự cố ngay từ những giờ đầu sẽ giảm đáng kể về nhân lực và chi phí thực hiện, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nguồn: Báo Yên Bái