Do có ưu thế về giao thông đường thủy với nhiều tuyến sông chính như: sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Bứa... nên những năm qua công tác đảm bảo ATGT đường thủy luôn được các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh quan tâm, chú trọng.
Do có ưu thế về giao thông đường thủy với nhiều tuyến sông chính như: sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Bứa... nên những năm qua công tác đảm bảo ATGT đường thủy luôn được các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh quan tâm, chú trọng.
Hàng năm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy (GTĐT) nội địa được thực hiện dưới nhiều hình thức: Tuyên truyền trực tiếp; phát tờ rơi; tuyên truyền gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức ký cam kết không vi phạm luật GTĐT nội địa... Nhiều xã, phường, dọc các tuyến sông đã duy trì và đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, xây dựng các bến đò an toàn. Bên cạnh đó, công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm được tăng cường, Phòng CSGT đường thủy- Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, công an các huyện, thành, thị tập trung kiểm tra các bến đò, bến phà, bến bốc xếp hàng hóa, các phương tiện thủy hoạt động trên sông; kiên quyết đình chỉ các bến, các phương tiện thủy thiếu thủ tục giấy tờ, thiếu các thiết bị đảm bảo an toàn, không có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chở quá số người quy định... Trong năm 2012, đã tiến hành 25 đợt kiểm tra ATGT các phương tiện, bến bãi, luồng tuyến, phao tiêu, biển báo hiệu, phát hiện lập biên bản xử phạt 390 trường hợp với 500 lỗi vi phạm, bắt tạm giữ 6 vụ khai thác cát trái phép, xử phạt nộp kho bạc nhà nước là 656 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Đỗ Ngọc Thanh - Trưởng phòng CSGT đường thủy cho biết: “Do đặc thù sông nước nên công tác đảm bảo ATGT đường thủy có những khó khăn phức tạp riêng. Mùa khô mực nước thường khan cạn, mùa mưa nước lên cao, luồng lạch thay đổi, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các phương tiện thủy và luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Một thực tế nữa là số lượng bến phà, bến đò chở khách ngang sông trên địa bàn tỉnh khá nhiều, nếu không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên thì cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. Căn cứ vào thực tế tình hình, Phòng đã phân công cán bộ, chiến sỹ thường xuyên bám sát các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự ATGT, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xử lý, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp vi phạm”. Trong quý I- 2013, lực lượng CSGT đường thủy đã phát hiện và xử lý 210 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 240 triệu đồng, bắt tạm giữ 2 tàu cuốc khai thác cát sỏi trái phép; tuyên truyền luật GTĐT cho 12.000 lượt người, ký cam kết không vi phạm với 1.800 lượt người.
Nhờ nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo ATGT nên từ năm 2011 trở lại đây trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ TNGT đường thủy nào. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay chính là vấn đề đảm bảo an toàn về người và phương tiện thủy khi mùa mưa bão đang đến gần. Thời gian qua mặc dù TNGT đường thủy không xảy ra nhưng các tai nạn rủi ro và tai nạn đuối nước có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Phòng CSGT đường thủy thì năm 2012 trên các tuyến sông đã có 8 vụ chìm tàu do va vào cạn, đá ngầm, do luồng nước chảy xiết; 4 vụ tai nạn đuối nước do trượt chân ngã xuống sông hoặc tắm sông... làm chết 5 người. Riêng trong tháng 3 năm nay đã liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước trên sông Hồng và sông Đà thuộc địa bàn xã Vĩnh Chân (Hạ Hòa), Xuân Lộc (Thanh Thủy) làm chết 4 học sinh, chủ yếu do các em tự ý tắm sông, đi chơi trượt xuống hố sâu. Thực tế này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn cho người dân trong việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn trên sông nước. Được biết trên địa bàn tỉnh hiện có gần 100 bến đò, bến phà các loại, trong số đó có nhiều bến hoạt động với tần suất cao, chở lưu lượng lớn người qua lại như: Bến đò Chiểu Dương, bến đò Lời, bến đò xã Mai Tùng, Minh Côi... Vì vậy cùng với công tác kiểm tra, nhắc nhở các chủ đò, chủ bến và người đi đò thực hiện đúng các quy định đảm bảo an toàn thì những năm qua Ban ATGT tỉnh, huyện cùng với các lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức phát áo phao, phao tròn, dụng cụ nổi cho các bến đò, hướng dẫn người đi đò mặc áo phao và sử dụng dụng cụ nổi, xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự, mô hình bến đò an toàn. Song khó khăn của công tác đảm bảo ATGT đường thủy lại chính là trình độ nhận thức và ý thức chấp hành luật GTĐT nội địa của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế, điều này thể hiện khá rõ qua việc không tuân thủ đúng các quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy như đi đò, đi phà không mặc áo phao, chủ quan trong sinh hoạt dẫn đến tai nạn đuối nước rất thương tâm.
Để tăng cường đảm bảo trật tự ATGT đường thủy ngay khi bước vào mùa mưa bão, Phòng CSGT đường thủy đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa tai nạn, phòng ngừa đuối nước; tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng cơ sở trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ở các bến đò, bến phà, các bến bốc xếp hàng hóa, các chủ phương tiện thủy; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến, các phương tiện không đảm bảo an toàn... góp phần lập lại trật tự bình yên sông nước và giảm thiểu tai nạn xảy ra.
Nguồn: Báo Phú Thọ