Ngày 26/4/2013, Đường sắt Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác phòng chống lụt bão, ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn (PCLB, UPSCTT và CN) năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 qua hệ thống điện thoại truyền hình 5 khu vực: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn.
Phòng chống lụt, bão, ứng phó sự cố, thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của ĐSVN, có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động vận tải ĐS trong mùa mưa, bão, lụt. Ngày 26/4/2013, Đường sắt Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác phòng chống lụt bão, ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn (PCLB, UPSCTT và CN) năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 qua hệ thống điện thoại truyền hình 5 khu vực: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn.
Tham dự hội nghị có đại diện Bộ GTVT, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm Khí tượng thủy văn TƯ và đại diện các ban Đảng ủy, chuyên môn, Công đoàn, ĐTN ĐSVN, các đơn vị liên quan… Ông Trần Phúc Tiến – UVTV Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Phòng chống lụt bão ĐSVN chủ trì hội nghị.
Năm 2012, tuy số lượng cơn bão ảnh hưởng đến nước ta không nhiều nhưng chỉ riêng 2 cơn bão số 5 xảy ra cuối tháng 8-2012 và cơn bão số 8 xảy ra cuối tháng 12, đã gây thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng ĐS và kinh doanh vận tải ĐS.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 5 trong các ngày 18, 19/8/2012 gây ra mưa to kéo dài, trên tuyến ĐS Yên Viên - Lào Cai bị sạt lở mái ta luy, làm sụt nền đường (nền nửa đào, nửa đắp) từ km 78+100km 78+150 khu gian Việt Trì – Phủ Đức; km 14+500-Km 114+650 khu gian Chí Chủ - Vũ Ẻn và km 126+850- km 126+920 khu gian Vũ Ẻn - Ấm Thượng. Trong 2 ngày 30 và 31/8/2012, mưa to kéo dài đã gây sạt trượt mái ta luy dương trên tuyến ĐS Yên Viên - Lào Cai, làm đất đá tràn lấp vào ĐS từ km 268+745-km 268+800 và từ km 269+150- km 269+250. Ngày 5/9/2012, trên địa bàn thuộc Công ty QLĐS Nghệ Tĩnh, mưa lớn đã gây ra hư hại KCHTĐS ảnh hưởng đến công tác chạy tàu: cầu bê tông km 394+675, khu gian Hương Phố - Phúc Trạch nước ngập đến đáy dầm làm xê dịch các trụ pa lê 20 đến 30cm, đơn vị phải giảm tốc độ chạy tàu V=30 km/h để sửa chữa khắc phục; trên khu gian Phúc Trạch- La Khê, nước chảy xiết làm trôi nền đá tại km 400+540, km 402+865. Tại Ga La Khê, km 404+400, nước ngập 30 đến 40 cm, đơn vị phải phong tỏa đường; tại đường chính tuyến số II, nước ngập trên đỉnh ray 10 cm phải tổ chức dẫn tàu tốc độ 5km/h.
Ở phía nam, ngày 15/9/2012, trên địa bàn khu vực nam Khánh Hòa, mưa lớn kéo dài gây ảnh hưởng đến KCHTĐS: Tại km 1367+050 nước ngập cao hơn đỉnh ray > 400mm; km 1369+421 nước ngập cao hơn đỉnh ray>500mm phải phong tỏa khu gian Ngã Ba – Kà Rôm 310 phút. 6m3 đất lấp đường sắt, trôi 7,6m3 nền đá, sạt lở 19,1m3 nền đường.
Đến ngày 29 và 31/10/2012, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, gió giật đến cấp 9, mưa lớn trên diện rộng đã gây đổ hàng loạt cột thông tin làm đứt dây trần, gãy xà, vỡ sứ, đứt cáp quang trục chính tại nhiều điểm, làm ách tắc thông tin chính tuyến, thông tin khu vực đóng đường tự động, bán tự động các ga từ Nam Định đến Ninh Bình (tuyến Thống Nhất) và các ga từ Phạm Xá đến Phú Thái (tuyến Gia Lâm - Hải Phòng). Gió giật làm xê dịch vị trí định vị của hệ thống tín hiệu đèn màu ra vào các ga và hệ thống đường ngang CBTĐ trên tuyến ĐS Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và ĐS Gia Lâm - Hải Phòng… Tổng thiệt hại năm 2012 do mưa bão thiên tai gây ra cho kết cấu hạ tầng đường sắt là 4.560 triệu đồng.
Có thể nói, năm 2012 tuy bão lụt, sự cố thiên tai xảy ra không lớn, nhưng ĐSVN vẫn luôn tích cực chủ động phòng, chống lụt, bão, ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn ĐS; khẩn trương điều động nhân lực, vật tư, thiết bị, phương tiện; tổ chức khắc phục cứu chữa liên tục 24/24h khi có sự cố xảy ra, nhờ đó đã giảm thiểu thiệt hại đối với KCHT, nhanh chóng lập lại trật tự giao thông, đảm bảo an toàn vận tải ĐS.
Trên thực tế, các đơn vị đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị, chủ động PCLB, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCLB ở các cấp; xây dựng phương án, kế hoạch theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ); đã chủ động tổ chức kiểm tra và gia cố các công trình xung yếu; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư dự phòng đảm bảo cho việc tổ chức ứng cứu kịp thời. Công tác PCLB có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chỉ đạo PCLB ĐSVN; sự phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả của các đơn vị liên quan trong công tác phòng chống, cứu chữa khắc phục hậu quả mưa, bão, lụt.
Công tác trực ban PCLB được thực hiện nghiêm túc. Nắm chắc tình hình, cung ứng tin, số liệu, tham mưu đề xuất lãnh đạo các cấp chỉ đạo, xử lý, ứng cứu kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra. Các công ty TNHH một thành viên quản lý KCHTĐS làm tốt công tác tuần tra, chốt gác, các khu vực trọng điểm và các công trình xung yếu, phát hiện kịp thời các sự cố xảy ra khi có bão lụt. Các đơn vị vận tải bố trí phương tiện đầu máy, toa xe hợp lý; tổ chức vận chuyển vật tư phục vụ cứu chữa và chuyển tải hành khách kịp thời, hiệu quả.
Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong công tác PCLB, ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn nhưng trong năm 2012 vẫn còn một số tồn tại cần rút kinh nghiệm và khắc phục trong công tác dự phòng vật tư của một số đơn vị: Phương tiện, thiết bị, vật tư còn thiếu và gặp nhiều khó khăn về cơ chế bố trí nguồn vốn dự phòng; kết cấu hạ tầng ĐS vẫn còn bất cập trước thiên tai, chưa đảm bảo ổn định khi có tác động của thiên tai, dễ bị hư hỏng gây thiệt hại cho hoạt động giao thông vận tải ĐS…
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, năm 2013, khả năng có từ 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta với lượng mưa xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình nhiều năm. Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến phức tạp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lụt, bão gây ra và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn giao thông vận tải năm 2013; ĐSVN yêu cầu các Ban Chỉ đạo PCLB khu vực l, 2, 3 và các đơn vị trong toàn ngành triển khai và thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Tổng công ty ĐSVN về công tác PCLB, ƯPCTT với những biện pháp cụ thể và chủ động.
Nguồn: ĐSVN