Xuất phát từ tình hình thực tế của các công trình giao thông và rút kinh nghiệm trong những năm gần đây, năm 2013, ngành Giao thông vận tải Thanh Hóa đã xây dựng, triển khai sớm kế hoạch phòng, chống lụt bão, bảo đảm giao thông, tìm kiếm cứu nạn; phòng ngừa, đối phó nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do lụt bão gây ra để các tuyến đường thông suốt trong mùa mưa bão.
Xuất phát từ tình hình thực tế của các công trình giao thông và rút kinh nghiệm trong những năm gần đây, năm 2013, ngành Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hóa đã xây dựng, triển khai sớm kế hoạch phòng, chống lụt bão, bảo đảm giao thông, tìm kiếm cứu nạn; phòng ngừa, đối phó nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do lụt bão gây ra để các tuyến đường thông suốt trong mùa mưa bão.
Thực hiện kế hoạch của Sở GTVT Thanh Hóa, hiện các đơn vị quản lý đường bộ, quản lý đường sông... đã và đang chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện - vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ” để bảo đảm tốt công tác phòng, chống lụt bão. Đối với những tuyến đường ở các huyện miền núi thường xảy ra sạt lở, sình lún vào mùa mưa bão, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đơn vị quản lý giao thông đang tập trung khơi thông cống rãnh để thoát nước; xử lý sình lầy nền, mặt đường; sửa chữa những hư hỏng mố, trụ cầu, cống, ngầm, tường chắn... Đồng thời, bố trí lực lượng, phương tiện thường xuyên tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện những hư hỏng của cầu, đường, nhất là trong và sau thời gian mưa bão để xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn giao thông, các tuyến đường thông suốt.
Là đơn vị quản lý, sửa chữa thường xuyên hầu hết các tuyến đường ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, đồng chí Phạm Ngọc Thuyết, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý đường bộ 2 Thanh Hóa, cho biết: Ngoài thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, công ty đang triển khai để các hạt quản lý giao thông chuẩn bị vật tư dự trữ như đá hộc, rọ thép, máy cưa cắt cây. Chuẩn bị máy ủi, máy xúc, ô tô tải, nhiên liệu và được bố trí ở những tuyến đường trọng yếu như Quốc lộ 15C, đường Thường Xuân-Bát Mọt, Lang Chánh-Yên Khương... Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động tu sửa, bảo vệ nhà ở của hạt, cung, kho xưởng và có phương án bảo vệ tư liệu, máy móc, hồ sơ an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của công ty hiện nay là thiếu kinh phí để mua vật tư dự trữ như đá hộc, rọ thép, xăng, dầu...
Đối với đơn vị quản lý đường sông, các đơn vị có liên quan hiện cũng đang tập trung sơn, sửa chữa, bổ sung cọc tiêu, biển báo, cột thủy trí ở những đoạn đường, các ngầm, tràn thường bị ngập nước vào mùa mưa bão; xây dựng kế hoạch tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông khi đường, cầu bị hư hỏng, ách tắc. Bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị; bảo đảm đầy đủ phao, phà, ca nô; có phương án bảo đảm giao thông; phương án neo đậu, trú ẩn để bảo vệ an toàn cho phương tiện, thiết bị, tài sản; có kế hoạch, biện pháp cụ thể trong công tác bảo đảm giao thông và chống va trôi của tàu thuyền, phương tiện thủy ở các tuyến sông, kênh trên địa bàn. Sở GTVT cũng đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan, tham mưu, báo cáo phương án phân luồng giao thông cho người và các phương tiện vận tải trong trường hợp xảy ra ách tắc giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sông. Các ban quản lý dự án giao thông và các đơn vị thi công, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng tuyến đường, công trình giao thông đang thi công, xây dựng phương án phòng, chống hư hỏng của các công trình. Có trách nhiệm khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra ở khu vực công trình đang thi công. Các đơn vị bảo đảm lực lượng xung kích; xe, máy phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động; thực hiện thi công đến đâu hoàn thành đến đó, phấn đấu không để ảnh hưởng đến việc bảo đảm giao thông, an toàn công trình trong mọi tình huống. Đồng chí Lê Văn Đâu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công trình giao thông 1 Thanh Hóa - công ty cổ phần, cho biết: Hiện tổng công ty đang thi công nhiều gói thầu ở các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, trong đó có tuyến trọng điểm là Quốc lộ 15C, đơn vị đã triển khai phân công lực lượng, chuẩn bị phương tiện như máy ủi, máy xúc, xe ô tô tải, đá hộc, sắt thép..., phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống, tìm kiếm cứu nạn cũng như khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; đồng thời, sẵn sàng ứng phó trong công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động của cấp trên.
Sở GTVT Thanh Hóa đã thành lập 5 tổ công tác để chỉ đạo, đôn đốc, điều hành công tác bảo đảm giao thông ở các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, nhất là các tuyến đường ra ven biển và khu vực miền núi. Thanh tra giao thông thực hiện việc tuần tra, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn xe quá tải và phối hợp với các đơn vị có liên quan làm tốt công tác bảo đảm giao thông. Các đơn vị quản lý đường bộ, đường thủy nội địa thực hiện công tác khắc phục hậu quả lụt bão, bảo đảm giao thông bước 1 trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường sông, cho đơn vị quản lý. Sở yêu cầu các đơn vị khi có lụt bão xảy ra, phải thường trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến, bảo đảm chế độ thông tin liên lạc; thực hiện việc phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt bão. Đồng thời, thực hiện điều động lực lượng, phương tiện cứu người, bảo vệ tài sản; gia cố, sửa chữa ngay các hư hỏng để giảm nhẹ thiệt hại; có biện pháp phân luồng giao thông; báo hiệu, phong tỏa khu vực tuyến đường, bến bãi..., bị hư hỏng nguy hiểm để bảo đảm an toàn giao thông.
Nguồn: Báo Thanh Hóa