Là tỉnh miền núi nên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Sơn La thường có độ dốc lớn, địa chất nhiều đoạn tuyến không ổn định, mùa mưa lũ thường bị sạt lở, tắc đường. Trước mùa mưa lũ năm nay, Sở Giao thông vận tải Sơn La đã có nhiều giải pháp chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác ứng phó, đảm bảo giao thông thông suốt.
Khắc phục sạt trượt do mưa lũ trên Quốc lộ 37.
Mạng lưới đường bộ toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 9.400 km, gồm: 595 km quốc lộ, 667 km tỉnh lộ, hơn 7.600 km đường huyện, xã (GTNT), 229 km đường đô thị, 282 km đường chuyên dùng, trong đó Sở Giao thông vận tải Sơn La (GTVT) quản lý 26 tuyến đường, có tổng chiều dài hơn 950 km. Sở GTVT chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ, đường sông chủ động về thời gian, nhân lực, phương tiện huy động tham gia phòng chống mưa lũ khi có sự cố xảy ra. Theo đó, đối với các công trình giao thông đường bộ, thường xuyên thực hiện công tác tuần đường, phát hiện những hư hỏng đột xuất, đặc biệt chú ý các vị trí xung yếu trên tuyến, những đoạn dễ xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông để xử lý kịp thời; tổ chức kiểm tra chất lượng hệ thống các công trình giao thông do đơn vị quản lý. Riêng với các công trình xây dựng cơ bản đang thi công dở dang nhất thiết phải có phương án PCLB cho từng hạng mục, triển khai phương án di chuyển thiết bị, vật tư về nơi an toàn khi có bão lũ đến. Trên các tuyến đường sông, đoạn quản lý đường sông đã hoàn thành việc sơn, sửa, bảo dưỡng hệ thống phao tiêu, biển báo; chuẩn bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ như phao cứu sinh; bố trí hệ thống thông tin, biển báo tại các vị trí neo đậu tàu thuyền khi có bão lũ trên các tuyến sông được giao quản lý... Bên cạnh đó, ngành GTVT phối hợp với các ban ngành, huyện, thành phố thống kê, nắm chắc các phương tiện giao thông, phương tiện vận tải của các ngành, các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân phục vụ công tác phòng chống mưa lũ, có phương án để huy động kịp thời khi cần và trực tiếp chỉ huy việc điều động các phương tiện thực hiện nhiệm vụ phòng chống mưa lũ...
Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng cơn bão số 1 vừa qua, nhiều tuyến đường đã bị sạt lở, bồi đắp, sụt lở hàng nghìn m3 ta luy, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ tới việc lưu thông trên các tuyến đường. Trong quá trình xảy ra mưa lũ, Sở GTVT Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị huy động mọi nguồn lực để khắc phục toàn bộ khối lượng thiệt hại trên các quốc lộ, đối với đường tỉnh tạm thời thông xe đảm bảo giao thông, hoàn thiện theo hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt... Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Giao thông thì một số đơn vị thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra chưa thường xuyên, nhất là vào các đợt mưa lũ; một số vị trí thiệt hại chưa được kịp thời phát hiện; công tác chỉ huy phối hợp giải quyết ách tắc có lúc còn thiếu kiên quyết và chưa hợp lý dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ, hoặc nhiều giờ trên một số tuyến đường; chế độ thông tin báo cáo của một số đơn vị còn chậm, chưa kịp thời; các đơn vị tham gia đảm bảo giao thông chưa phối hợp tốt với nhau trong việc huy động lực lượng hỗ trợ, ứng cứu...
Mùa mưa lũ đã đến, Sở GTVT Sơn La xác định các vị trí xung yếu trên các tuyến đường để bố trí nhân lực, máy thi công, thường trực vật tư dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất và xử lý nhanh nhất các thiệt hại do mưa lũ gây ra, như: các tuyến đường từ Thành phố đi Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong đó đặc biệt quan tâm QL.6, QL.37, QL.4G, QL.279; các tuyến đường từ Thành phố đi các huyện, trong đó đặc biệt quan tâm Đường tỉnh 105, 106, 107; các tuyến đường từ trung tâm hành chính huyện đến các xã, trong đó đặc biệt quan tâm tỉnh lộ 101, 108, 109, 110, 112, 115. Ngành cũng rà soát, xây dựng kế hoạch bổ sung vật tư, thiết bị dự phòng để chủ động ứng cứu khi có ách tắc xảy ra. Phối hợp với Ban chỉ huy PCLB các đơn vị xây dựng phương án chi tiết để đảm bảo giao thông trên các tuyến đường; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kịp thời báo cáo thiệt hại và công tác khắc phục khi có mưa lũ xảy ra...