Do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang thường xuyên xảy ra những đợt mưa lớn kéo dài, gây sạt lở, lún, trượt nền, mặt đường trên các tuyến đường toàn tỉnh, làm ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của các phương tiện tham gia giao thông cũng như người dân và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đặc biệt nghiệm trọng là các tuyến Quốc lộ 4C, 34; các tuyến tỉnh lộ 176B, 177, 178; các tuyến đường huyện 01 (Km90 Bắc Quang - Xín Mần - Mốc 5), tuyến 17 (Xín Mần - Bắc Hà)... Tổng khối lượng sạt lở trên các tuyến này ước tính trên 142 nghìn m3, tổng thiệt hại đến hết 31.8 ước tính gần 38 tỷ đồng... Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự cố gắng của ngành giao thông và các đơn vị chức năng; đến nay, các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được thông suốt.
Giao thông đi lại khó khăn do sạt lở đất tại tuyến Quốc lộ 34
Để đối phó với tình hình mưa lũ, bảo đảm an toàn giao thông; ngay từ đầu năm, Sở GTVT Hà Giang đã kiện toàn Ban Phòng, chống lụt bão của đơn vị do Giám đốc Sở làm Trưởng ban, Phó Giám đốc Sở làm Phó ban và các thành viên thuộc lực lượng của ngành; đồng thời lập kế hoạch phòng, chống thiên tai, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để chủ động trong việc đối phó và khắc phục tình hình, với phương châm 3 sẵn sàng ”Chủ động phòng trách, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hiệu quả” và 4 tại chỗ ”Lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”; quan điểm ”phòng là chính” cũng được quán triệt đến từng thành viên và các đơn vị chức năng.
Đồng chí Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Giang cho biết: Từ tháng 6 đến hết tháng 8/2017, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra khá nhiều trận mưa lớn kéo dài; tình trạng sạt lở trên các tuyến đường là khá nghiêm trọng, thiệt hại là rất lớn. Để đảm bảo an toàn giao thông, trong suốt thời gian xảy ra mưa, lũ, đơn vị đã tổ chức phân công trực 24/24, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão của ngành, của tỉnh và Trung ương; đồng thời cử lực lượng thường xuyên tuần tra, theo dõi, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời sự cố xảy ra. Cử người chốt, trực, cắm biển báo hiệu hai đầu đoạn tuyến bị hư hại; thu dọn, san sửa ngay ít nhất một làn xe để phương tiện đi lại an toàn; những đoạn đường hay công trình bị hư hại nặng tổ chức rào chắn chắc chắn, cử người gác chỉ huy, điều khiển giao thông, phân luồng đảm bảo giao thông hợp lý và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Yêu cầu các đơn vị chức năng tiến hành thi công, sửa chữa tạm thời thông xe để đảm bảo giao thông thông suốt, tiến hành xác định thiệt hại báo cáo cơ quan quản lý đường bộ và Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão cấp trên; đồng thời lập phương án sửa chữa khắc phục... Vì vậy trong thời gian qua, công tác sửa chữa, khắc phục hậu quả mưa lũ luôn được ngành xử lý trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ nhân dân.
Công ty Cổ phần Đường bộ I Hà Giang - Đơn vị được Sở GTVT ký hợp đồng Bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên đảm bảo thông 3 tuyến Quốc lộ 34, 4C và Cột cờ Quốc gia Lũng Cú; 7 tuyến đường tỉnh: Bắc Mê - Na Hang, Minh Ngọc - Mậu Duệ, Tráng Kìm - Đường Thượng, Na Khê - Bạch Đích, Đồng Văn - Phia Lìa, Yên Minh - Mậu Duệ, Quốc lộ 4C - Phó Bảng.
Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ I Hà Giang Nguyễn Mạnh Cường, cho biết: Trong thời gian vừa qua, gần như ngày nào cũng xảy ra sạt lở trên các tuyến đơn vị quản lý. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, đơn vị đã chủ đông huy động nhân lực, máy móc, vật liệu thi công hót dọn đất đá tràn lấp mặt đường, khơi thông rãnh dọc, dòng chảy, làm rào chắn tại các vị trí bị sạt lở ta - luy âm, dương, các vị trí bị sạt lở lớn cắm biển bảo nguy hiểm cho người tham gia giao thông biết; đồng thời khắc phục đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất để các phương tiện lưu thông được an toàn trên tuyến... đến hết tháng 8, đơn vị đã tiến hành hành khắc phục sạt lở với trên 27 nghìn m3 đất đá và kè ta - luy âm trên 3.000m3...
Đến thời điểm hiện tại, mặc dù các tuyến đường trên địa bàn toàn tỉnh giao thông đã thông suốt, không còn điểm ách tắc nào, tuy nhiên, hiện còn khá nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở nếu trời tiếp tục mưa, đặc biệt là tại các tuyến Quốc lộ 34, tuyến Bắc Quang - Xín Mần. Để khắc phục hoàn toàn hậu quả do đợt mưa lũ vừa qua, sẽ rất cần nguồn kinh phí đảm bảo và sự cố gắng nỗ lực của ngành Giao thông và các địa phương. Và để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạnh, người dân khi tham gia giao thông cần chú ý đề phòng.