Điện Biên: Đào tạo sát hạch lái xe còn khó khăn

Thứ sáu, 01/09/2017 09:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm qua, hạ tầng giao thông được đầu tư, đời sống người dân cũng được nâng lên, do đó nhu cầu học lái xe các loại ngày càng tăng. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Điện Biên: Từ đầu năm đến nay, Sở đã cấp gần 5.000 giấy phép lái xe (GPLX) các loại, trong đó cấp mới trên 2.500 GPLX, cấp đổi trên 2.400 GPLX.

Hiện nay, Điện Biên có 2 Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe, là Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Điện Biên (Trường Cao đẳng nghề) chuyên đào tạo sát hạch cấp GPLX ô tô và Công ty Cổ phần vận tải ô tô Điện Biên chuyên đào tạo sát hạch và cấp GPLX mô tô.

Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe xe cơ giới đường bộ Điện Biên trước đây chỉ có chức năng đào tạo, bắt đầu từ năm 2013 mới chính thức có chức năng đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Hàng năm, Trung tâm không ngừng nâng cấp hệ thống phòng học lý thuyết và sân bãi thực hành đảm bảo tiêu chuẩn, cùng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Năm 2016, Trung tâm đã đầu tư hàng tỷ đồng mua mới xe sát hạch, nâng tổng số xe tập và xe sát hạch lên 44 xe ô tô các loại; trải thảm nhựa nâng cấp hệ thống sân bãi... đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người học. Bên cạnh đó, trung tâm còn cử giáo viên đến địa bàn các huyện, thị trong tỉnh để đào tạo học viên. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã đào tạo được 17 lớp với gần 1.900 học viên, tỷ lệ tốt nghiệp lần đầu đạt 70%.

Ông Bùi Văn Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe xe cơ giới đường bộ Điện Biên cho biết: Hiện nay, nhu cầu học lái xe ô tô của người dân trên địa bàn tỉnh rất lớn, tuy nhiên mới có khoảng 50% có nhu cầu học và thi sát hạch tại tỉnh bởi lượng người đăng ký học lớn, trong khi đó nhiều người học muốn được thi ngay, không phải chờ đợi nên đến các địa phương khác để học và thi sát hạch. Do đó, tại Trung tâm xảy ra tình trạng người nộp hồ sơ học thì nhiều nhưng con số thực tế tham gia học để được sát hạch, cấp bằng lại ít. Ở các tỉnh miền xuôi có rất nhiều trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe nên có sự cạnh tranh về số lượng học viên, cũng như lệ phí đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Người học thường có tâm lý đến các trung tâm dưới xuôi bởi khi thi, nếu thi trượt lần đầu, các trung tâm đều tiến hành cho học viên thi lại ngay, trong khi ở đây học viên phải chờ đợi đợt sát hạch sau.

Công ty Cổ phần vận tải ô tô Điện Biên là một cơ sở chuyên đào tạo và sát hạch lái xe mô tô trên địa bàn toàn tỉnh. Theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần vận tải ô tô Điện Biên, từ năm 2016 đến nay, cơ sở đã đào tạo được 36 khóa, với số thí sinh dự thi là 13.682 người. Trong đó, đào tạo tại các huyện, thị trong tỉnh là 16 khóa với gần 8.000 học viên; tổng số học viên thi đạt trên 77%. Trong công tác tuyển sinh và đào tạo tại các huyện còn nhiều khó khăn bởi trên thực tế nhu cầu của người học thì nhiều, nhưng lưu lượng bình quân học giữa các khóa lại thấp, do điều kiện kinh tế của người dân còn thấp, một số không có tiền để chi phí trong quá trình học, thi và phí cấp GPLX. Bên cạnh đó, học viên chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên việc học còn khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Cơ sở vật chất cho công tác tuyển sinh cũng như đào tạo tại các huyện cũng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến phát sinh tăng chi phí cho cán bộ đào tạo cũng như cơ sở đào tạo. 

Thực hiện theo Thông tư 12/2017TT của Bộ Giao thông vận tải, thời gian tới yêu cầu cơ sở đào tạo phải tổ chức thi sát hạch trên sân chấm điểm tự động (sân gắn thiết bị cảm ứng từ), điều này cũng gây khó khăn cho người thi; nhất là đối tượng thi là người dân tộc thiểu số. Bởi người tham gia thi sẽ phải về địa bàn thành phố thi thay vì trước đây có thể thi ngay tại địa bàn huyện. Người thi ở những bản vùng cao, khi tham gia thi phát sinh chi phí dẫn đến khó khăn trong việc tuyển sinh, cấp GPLX. Cùng với đó, trong quá trình đào tạo, thực hiện theo quyết định 08/2013/QĐ-UBND tỉnh quy định đối tượng sinh năm từ 1979 trở về trước là dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp, sẽ áp dụng chương trình học ưu tiên. Tuy nhiên trong quá trình tuyển sinh, nhiều đối tượng sinh năm từ 1980 - 1985 không biết chữ, hoặc biết ít gây khó khăn trong công tác đào tạo.
 

toanld

Nguồn: Báo Điện Biên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)