Bên cạnh những thành quả trong năm 2017, ngành Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều tồn tại, cần sớm có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Cầu Giao Thủy hoàn thành đã kết nối thông suốt từ Nông Sơn qua Duy Xuyên, Đại Lộc và ra Đà Nẵng.
Nhiều thành tựu
Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính Sở GTVT Quảng Nam, ông Võ Công Phúc cho hay, năm qua, ngành đã triển khai các dự án do UBND tỉnh giao cho làm chủ đầu tư và hoàn thành công trình nâng cấp đường ĐT605, dự kiến đưa vào sử dụng Dự án mở rộng đường ĐT608 vào đầu năm 2018. Lồng ghép Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, Đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH giai đoạn 2015 - 2020 với chương trình xây dựng nông thôn mới. Cuối tháng 11 vừa qua, những công trình của năm đã cơ bản hoàn thành khi toàn tỉnh bê tông hóa 66km mặt đường ĐH (chỉ tiêu hàng năm 60km) và 152km giao thông nông thôn (chỉ tiêu hàng năm 114km). Trên lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng công trình giao thông, Sở GTVT Quảng Nam thẩm định 24 hồ sơ dự án với tổng mức 1.542 tỷ đồng; thẩm định 10 hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công với tổng dự toán 1.003 tỷ đồng; thẩm định điều chỉnh 6 dự án và 12 hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Ngành cũng đã tham mưu UBND tỉnh làm việc với chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để giải quyết nhiều vướng mắc, nhất là việc hoàn trả đường địa phương, thoát nước hai bên. Cùng nhà đầu tư rà soát, đánh giá, đề xuất Bộ GTVT tháo gỡ tồn tại trong khai thác tuyến quốc lộ (QL) 1, xử lý “điểm đen” về an toàn giao thông, bổ sung đèn tín hiệu, biển báo, nhà chờ xe buýt trên trục dọc...
Đánh giá về quản lý, bảo trì đường bộ, Sở GTVT Quảng Nam khẳng định việc triển khai cho các tỉnh lộ, QL, đường thủy nội địa đảm bảo yêu cầu đặt ra. Cạnh đó, ngành chỉ đạo cấp huyện triển khai bảo trì thường xuyên hệ thống đường địa phương (theo Dự án LRAMP). Những điểm hư hỏng do mưa bão được khắc phục kịp thời, phục vụ đi lại an toàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2017 và Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Theo Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh, lãnh đạo ngành quan tâm sát sao, thường xuyên chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện, duy trì hoạt động của trạm cân, trang bị cân tải trọng cho các địa phương; phối hợp rà soát đường ngang qua đường sắt, bổ sung gờ giảm tốc, biển báo tại 16 vị trí nguy hiểm.
Về quản lý vận tải và người lái, Sở GTVT yêu cầu đơn vị vận tải buýt chuyển đổi từ khoán doanh thu sang quản lý trực tiếp. Hưởng ứng chủ trương trên, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam là đơn vị tiên phong tiêu biểu. Một yếu tố thuận lợi nữa là lãnh đạo ngành đã ủy quyền cho lãnh đạo cấp phòng ký một số loại giấy tờ nên rút ngắn thủ tục hành chính. Rà soát, đề xuất triển khai 30% thủ tục hành chính theo quy trình 4 bước tại Trung tâm Hành chính công vào tháng 1/2018. Tiến độ cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp được đẩy nhanh. Đến nay, cổ phần tại Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam đã bán, Ban Quản lý bến xe Quảng Nam thì đang bán, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam được đề xuất cổ phần hóa. Trật tự an toàn giao thông đạt kết quả đáng mừng, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm trước.
Hạn chế và giải pháp
Năm 2017, Sở GTVT Quảng Nam tham mưu xúc tiến đầu tư các công trình đường và cầu trên QL14D (triển khai bước hỗ trợ kỹ thuật), QL14G, QL14E và QL40B và QL1. Theo đó, Bộ GTVT thống nhất chủ trương đầu tư bổ sung một số hạng mục tuyến QL1 đoạn qua Tam Kỳ, kiến nghị Chính phủ đầu tư QL40B đoạn nối từ đường ven biển đến cao tốc, tạo điều kiện để Tập đoàn Trường Hải đầu tư nút giao Tam Hiệp; bổ sung các cầu Sông Vàng, Sông Kôn, Dốc Rùa (QL14G), Bình Đào (QL14E), Cẩm Kim (QL14H) vào dự án thay thế cầu yếu sử dụng vốn JICA. Lập hồ sơ, đề xuất và được Bộ GTVT chuyển liên tuyến đường từ cảng Cửa Đại đến đường Trường Sơn Đông thành QL14H. Đề xuất Bộ GTVT đưa vào khai thác các tuyến vận tải thủy nội địa nối Hội An, Cù Lao Chàm, Kỳ Hà với Sa Kỳ, Lý Sơn (Quảng Ngãi). |
“Mặc dù chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với đại diện chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tổ chức thực hiện các dự án nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chậm giải quyết. Một số công trình tiến độ chưa đạt như kỳ vọng; nhiều dự án phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng làm tăng tổng mức đầu tư” - ông Võ Công Phúc thừa nhận. Các dự án gặp khó về mặt bằng, dẫn đến tiến độ chậm trễ mà ông Võ Công Phúc nêu là công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐT607, đường nối từ đường ven biển đến QL1 (tại Cây Cốc) và dự án đường nối từ QL1 (tại Cây Cốc) đến nút giao QL14E với cao tốc. Tồn tại của ngành GTVT Quảng Nam còn bộc lộ qua vận tải hành khách chậm cải thiện về chất lượng dịch vụ. Muốn xử lý rốt ráo lại gặp nhiều trở lực, khi mà các chủ phương tiện luôn tìm cách đối phó, những quy định về kinh doanh vận tải còn nhiều nội dung chưa phù hợp. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, nhất là trong xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình đường bộ và xử lý các phương tiện vi phạm quy định kinh doanh vận tải hành khách. Để tháo gỡ tồn tại và thách thức, năm 2018, ngành chức năng tập trung tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước trong tất cả lĩnh vực GTVT.
Thách thức không hề đơn giản, nên nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ, Sở GTVT Quảng Nam đề ra nhiều giải pháp. Trọng tâm là tham mưu UBND tỉnh huy động, bố trí các nguồn lực cho đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh khơi thông mặt bằng để thúc đẩy tiến độ các dự án, sớm khớp nối, tạo thông suốt giữa đường ven biển, QL1 và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Theo ông Lê Văn Sinh, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phối hợp, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng do Bộ GTVT quản lý trên địa bàn. Thúc đẩy sớm đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai để khắc phục sự quá tải; điều chỉnh quy hoạch tổng thể xây dựng sân bay Chu Lai theo định hướng mới. Công bố, đưa vào khai thác các tuyến vận tải thủy nối từ bờ ra đảo để phát huy tiềm năng du lịch Quảng Nam và Quảng Ngãi. Phối hợp cùng Sở Xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch đấu nối các tuyến QL qua địa bàn tỉnh. Điều chỉnh chức năng nhiệm vụ sau khi các đơn vị sự nghiệp chuyển sang doanh nghiệp; thực hiện di dời bến xe Tam Kỳ đến vị trí mới. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn một cách bền vững hơn.