Nam Định: Bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão

Thứ tư, 16/05/2018 08:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt trên các tuyến đường trong mọi tình huống bão, lũ, Sở GTVT Nam Định đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trong ngành và địa phương chủ động xây dựng phương án ứng phó phòng chống thiên tai.

Ngành GTVT Nam Định tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công,
sớm đưa tỉnh lộ 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 (cầu Lạc Quần) đến cầu Sa Cao
vào khai thác phục vụ kịp thời công tác PCTT và TKCN năm 2018.

Ngay từ đầu năm, ngành GTVT Nam Định đã tiến hành kiểm kê tổng hợp số lượng vật tư, phương tiện dự phòng cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), nhất là những vật tư, thiết bị chuyên dùng như dầm cầu, rọ thép, phao, phà…; sắp xếp, điều chỉnh lại vị trí tập kết cho phù hợp, sửa chữa những thiết bị hư hỏng, mua sắm bổ sung đủ số lượng cần thiết và luôn ở tư thế sẵn sàng. Từ cuối tháng 4/2018, Sở GTVT Nam Định đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác PCTT và TKCN của ngành đối với các công trường đang thi công các dự án giao thông và tại các bến phà, điểm vượt sông trọng điểm của tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, các bến đò ngang chở khách qua sông đã tích cực chấp hành quy định pháp luật, bảo đảm điều kiện an toàn đường thủy, bao gồm giấy phép hoạt động, đăng ký phương tiện, chứng chỉ người lái, trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh. Tại các điểm vượt sông lớn, như phà Sa Cao - Thái Hạc, phà Thịnh Long, phà Đống Cao, cầu phao Ninh Cường, đơn vị quản lý đã chủ động thực hiện công tác nạo vét âu phà, các đầu bến; kiểm tra các biển báo hiệu đường bộ, phương tiện thủy nội địa, hố thế, neo cáp, sửa chữa phao, phà, đăng ký, đăng kiểm phương tiện theo quy định, bổ sung phao cứu sinh, cáp dự phòng. Trên tuyến đường bộ, các đơn vị chức năng của Sở GTVT Nam Định đã chủ động phối hợp với các lực lượng chuyên ngành, các địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các nhà thầu thi công xây dựng và chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả phương án PCTT và TKCN, đảm bảo an toàn vật tư, máy móc và điều kiện đi lại thông suốt cho nhân dân trên công trường. Tăng cường công tác kiểm tra xe quá khổ, quá tải, xử lý các phương tiện cố tình vi phạm gây mất ATGT, đặc biệt là các xe quá khổ, quá tải đi trên đê gây hư hại đê điều. Về vật tư và phương tiện dự phòng, Văn phòng Sở GTVT Nam Định và Cty CP Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định, Cty CP xây dựng Hoàng Nam đã chuẩn bị đủ nhà bạt, phao bè, phao cứu sinh, xuồng cao tốc, đất thịt, đá, cáp, nhiên liệu đốt, cưa tại các bến vượt sông và các Hạt quản lý đường đảm bảo sẵn sàng huy động. Sở GTVT Nam Định cũng lên phương án, giao chỉ tiêu cụ thể về số lượng phương tiện cần huy động cho các đơn vị thành viên, với tổng số 10 xe khách trên 29 chỗ ngồi, 10 xe tải các loại, 1 máy xúc và 2 xà lan tự hành. Các đơn vị được giao chỉ tiêu huy động phương tiện có trách nhiệm điều động người và phương tiện đến địa điểm tập kết, bàn giao cho đơn vị nhận khi có lệnh và phải trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, theo dõi quy trình hoạt động theo điều lệnh. Nhằm kết nối, tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTT và TKCN, giảm tối đa thiệt hại tài sản, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân, nhất là trong những tình huống, sự cố cấp bách, ngành GTVT Nam Định đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Đến nay tuyến tỉnh lộ 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 (cầu Lạc Quần) đến cầu Sa Cao đã thi công xong toàn bộ nền đường và cơ bản xong các cầu, cống trên tuyến; móng cấp phối đá dăm cấp dưới, đang thi công móng cấp phối đá dăm cấp trên. Tuyến Quốc lộ 38B đoạn từ Km88+00 đến Km92+100 hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện công trình. Tuyến tỉnh lộ 487B đang được khẩn trương hoàn tất các hạng mục bảo đảm ATGT như biển báo, sơn kẻ đường, cọc tiêu để đưa vào sử dụng ngay trong tháng 5/2018. Tỉnh lộ 488 đoạn từ Cầu Vòi đến nút giao Quốc lộ 37B (Km17+660-Km21) đã nghiệm thu kỹ thuật đoạn từ cầu Vòi đến phà Đại Nội; hoàn tất thi công nền, móng và đang tiến hành thảm bê tông nhựa đoạn từ phà Đại Nội đến Quốc lộ 37B. Khi mưa bão xảy ra phải cất giấu các phương tiện phao, phà tại các điểm vượt sông đến khi có lệnh mới được hoạt động trở lại. Ban chỉ huy PCTT-TKCN ngành GTVT Nam Định đã chủ động xác định các tuyến đường dự phòng để phân luồng giao thông gồm: tỉnh lộ 485B (Nam Trực) từ tỉnh lộ 490C đi Quốc lộ 21 và ngược lại; tỉnh lộ 488B từ Km19 trên tỉnh lộ 490C đến Km168 trên Quốc lộ 21 và ngược lại; đường Giây Nhất (Nghĩa Hưng); tỉnh lộ 488C.

Để việc ứng cứu được thực hiện kịp thời khi có bão, lũ, các huyện, thành phố đã tích cực triển khai công tác duy tu đường giao thông, trong đó tập trung cắt cỏ, bạt lề, khơi rãnh thoát nước, vá ổ gà; việc chuẩn bị phương án huy động nhân lực, vật lực để đảm bảo thực hiện “4 tại chỗ” cũng được các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Các huyện, thành phố chủ động xây dựng phương án huy động phối hợp bảo đảm giao thông cho các lực lượng liên quan. Huyện Hải Hậu đã giao Phòng Công thương phối hợp với Công an huyện xây dựng phương án bảo đảm giao thông đường bộ, đường thủy thông suốt tới các xã, thị trấn và tới các trọng điểm xung yếu trong mọi tình huống; quản lý, kiểm soát chặt chẽ mọi phương tiện tàu thuyền, phương tiện phà, đò ngang đủ điều kiện an toàn mới được hoạt động. Huyện Trực Ninh đã huy động Công an huyện, Ban CHQS huyện phối hợp với các xã, thị trấn, các phòng, ban trong trường hợp bão lũ phải ứng trực trên các tuyến đường (tỉnh lộ, liên huyện, liên xã); liên tục kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các đoạn đường, đê sạt lở, nhanh chóng giải tỏa các chướng ngại vật gây cản trở giao thông trên các tuyến đê. Phòng Công thương huyện chủ động hợp đồng bảo đảm huy động đủ số lượng xe tải 5 tấn và xe khách, kịp thời tham gia công tác cứu hộ đê và di dân khi có lệnh. Đặc biệt, các huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, nghiên cứu lắp đặt lại các barie, trụ bê tông ngăn xe quá tải do cơ sở tự lắp đặt trên những tuyến đường vào các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu bảo đảm lưu thông thuận lợi cho các xe cứu nạn, cứu hộ đi làm nhiệm vụ (chiều cao, chiều rộng của đường theo tỷ lệ 4,4m và 3,5m).

Trong tình huống bão, lũ ảnh hưởng trực tiếp vào địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy PCLB-TKCN ngành GTVT Nam Định và các đơn vị thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Toàn ngành phấn đấu bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước, của nhân dân, giao thông của tỉnh an toàn thông suốt khi có bão, lũ xảy ra./.

toanld

Nguồn: Báo Nam Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)