Sở GTVT Hòa Bình đã xây dựng và triển khai phương án phòng - chống lũ bão, bảo đảm giao thông sát với thực tế, theo phương châm "4 tại chỗ” nhằm kịp thời khắc phục nhanh nhất những sự cố, ách tắc, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
Sở GTVT Hòa Bình yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng phương án
phòng, chống lũ bão, bảo đảm giao thông trong mùa mưa bão năm 2018.
ảnh: Công ty Miền Trung thi công đường 433, địa phận xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có hàng trăm km đường giao thông các loại, chủ yếu phân bố ở những địa hình phức tạp, núi cao, độ dốc lớn, nhiều nơi địa chất không ổn định, hằng năm thường xảy ra sạt lở, ngập úng gây ách tắc giao thông. Mưa lũ lịch sử tháng 10/2017 gây thiệt hại nặng nề cho kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh với hàng nghìn m3 sạt lở taluy dương, taluy âm; hàng chục km mặt đường bị cuốn trôi, hư hỏng nặng; hầu hết các ngầm tràn bị ngập sâu, nhiều cầu giao thông bị cuốn trôi và hư hỏng hoàn toàn, gây ách tắc giao thông nhiều ngày. ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Tỉnh đã khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, bước đầu bảo đảm giao thông trên địa bàn.
Liên tiếp trong thời gian qua, Sở GTVT Hòa Bình đã tổ chức các đoàn công tác kiểm tra công tác phòng - chống lũ bão, bảo đảm giao thông. Theo đó, đã xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết cho từng cung đường, đoạn đường, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, tổ chức liên quan để khẩn trương triển khai công tác bảo đảm giao thông trong mùa mưa bão năm 2018. Những khu vực, vị trí xung yếu có nguy cơ ách tắc giao thông đã được xác định như: dốc Cun, dốc Quy Hậu, dốc Má, Thung Khe, Thung Nhuối, trên tuyến QL 6. Đoạn km 472+700, xã Lạc Hưng (Lạc Thủy) trên đường Hồ Chí Minh. Trên các tuyến đường tỉnh như 433, 448, 432, 450… còn tồn tại nhiều mái dốc không ổn định, có nguy cơ sạt lở. Hầu hết các tuyến đường có ngầm đều có nguy cơ tắc đường cục bộ khi mưa lớn kéo dài, chảy siết. Riêng thành phố Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn chịu ảnh hưởng trực tiếp khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ ở cos từ trên 23,5 m.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình Vũ Ngọc Sơn cho biết: Sở GTVT đã sớm kiện toàn Ban chỉ huy phòng - chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hoàn thiện phương án của Sở, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc triển khai phương án bảo đảm giao thông theo phương châm "4 tại chỗ”. Các đơn vị quản lý đường bộ đã duy trì công tác duy tu, sửa chữa, gia cố những đoạn đường nền yếu, đoạn đèo dốc, mái taluy dễ sạt lở, khơi thông hệ thống rãnh thoát nước, sơn sửa cọc tiêu, biển báo; gia cố lòng cầu cống, mặt và sân ngầm tràn, thanh thải dòng chảy, chuẩn bị nhân lực, vật tư, vật liệu dự phòng tập kết tại những khu vực dễ cơ động để có thể huy động phối hợp xử lý những sự cố ách tắc giao thông. Đối với các Ban quản lý dự án, Sở GTVT yêu cầu cần xây dựng phương án bảo đảm giao thông trong phạm vi dự án tại các tuyến đường 433, 438B, 435… đôn đốc chỉ đạo nhà thầu chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp thi công đối với các đoạn, tuyến vừa tổ chức thi công và vừa khai thác.
Đối với vận tải thủy, Sở GTVT Hòa Bình yêu cầu các đơn vị quản lý tăng cường kiểm tra, rà soát, điều chỉnh hệ thống biển báo hiệu, đèn hiệu; phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, bến chợ, các phương tiện vận tải hàng hóa, phương tiện vận tải khách nhằm bảo đảm an toàn giao thông mùa mưa bão. Thực hiện giải tỏa các vi phạm hành lang bảo vệ đê, hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa, khu vực cấm, đặc biệt lưu ý các trường hợp làm đăng, đáy đánh cá trái phép ở hạ lưu đập thủy điện, các phương tiện khai thác cát, sỏi trái phép hạ lưu sông Đà và khu vực Kỳ Sơn, các phương tiện tàu, thuyền cơi nới cồng kềnh khu vực lòng hồ sông Đà. Các đơn vị, doanh nghiệp cũng được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ phương tiện, ô tô chuyên dùng và các thiết bị khác bảo đảm hoạt động tốt để khi có yêu cầu có thể điều động, đáp ứng, phục vụ công tác ứng cứu và bảo đảm giao thông…
Sở GTVT Hòa Bình đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát, tổ chức quản lý, bảo trì, sửa chữa, gia cố các vị trí xung yếu, các tuyến đường được giao phân cấp; phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm hành lang, công trình giao thông; có phương án cảnh báo, ứng trực tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực ngầm tràn, không cho người và phương tiện giao thông qua các ngầm tràn khi có mưa lũ lớn, nước siết…