Mỗi mùa mưa bão đến, các công trình giao thông lại đứng trước nhiều nguy cơ thiệt hại do thiên tai gây ra. Chính vì thế, chủ đầu tư các dự án cầu, đường trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang không ngừng đẩy nhanh tiến độ và lên phương án chủ động ứng phó.
Thi công đường Phú Yên - Gia Lai
Đẩy nhanh tiến độ
Nhiều tháng nay, trên công trường cầu Dinh Ông (thuộc giai đoạn 1 Dự án Tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa và Tuy An), không khí thi công luôn diễn ra khẩn trương. Không chỉ ban ngày mà cả ban đêm, xe máy, thiết bị tại công trường vẫn hoạt động tấp nập. Với 5 mũi thi công, hàng trăm công nhân tại công trường tập trung làm việc hăng say.
Ông Đinh Tiến Sĩ, Chỉ huy trưởng công trình (thuộc Công ty CP Tập đoàn quốc tế Đông Á) cho biết: Thời tiết Phú Yên mưa bão thường đến bất ngờ nên khi xác định thi công, chúng tôi phải tận dụng tuyệt đối thời điểm “vàng” để đẩy nhanh tiến độ.
Sau nhiều nỗ lực tăng cường thiết bị, tăng ca, tăng kíp, đến nay, công trình cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, giá trị khối lượng thực hiện đạt khoảng 72%. Phần cầu chính cơ bản đã hoàn thành, sẽ hợp long trong tháng 10. Đối với phần đường dẫn, nút giao, các nhà thầu đang tập trung đắp đất, lắp cống thoát nước.
Không riêng cầu Dinh Ông, nhà thầu xây dựng cầu Đà Rằng cũng đang tổ chức nhiều mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ. Tại khu vực phía nam công trình, hàng trăm công nhân, kỹ sư đang ngày đêm bám công trường làm việc với năng suất cao nhất có thể.
Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, vì không thể làm đường công vụ ra giữa lòng sông nên để thi công gói thầu này, nhà thầu phải bố trí 2 sà lan loại 800 tấn và 1 sà lan 500 tấn để thực hiện các hạng mục dưới nước.
Bên cạnh đó, nhiều thiết bị, máy móc chuyên dụng, hiện đại cũng được bố trí tại công trường. Trên công trường có trên 100 công nhân cùng hàng chục xe máy thiết bị được bố trí làm việc 3 ca liên tục. Đến nay, tất cả phần hạ bộ cầu đã hoàn thành.
Các nhà thầu tập trung lao lắp dầm, thi công mặt cầu và đường dẫn hai bên. Chủ đầu tư đang đôn đốc nhà thầu tập trung thi công để “vượt lũ”, tránh thiệt hại do mưa bão gây ra. Các nhà thầu nỗ lực tăng ca, tăng kíp để có thể thông xe cầu trong tháng 12 năm nay.
Ông Nguyễn Viết Biên, Trưởng Ban điều hành dự án Nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai, cho hay: Để đẩy nhanh tiến độ công trình, nhà thầu tổ chức 18 mũi thi công. Các mũi thi công được chia theo khối lượng công việc cụ thể như 3 mũi thi công hoàn thiện các cầu, 4 mũi thi công nền đường, 4 mũi thi công cống.
Đến nay, các đơn vị đã thi công xong 8 cầu trên tuyến, gồm: Suối Sản, Suối Tía, Trà Bương, Suối Cối, Cây Câu, Cà Tơn, La Hiên và Bà Đài. Đối với phần đường, nhà thầu cơ bản hoàn thành phần nền đường trên các đoạn có mặt bằng sạch, thi công xong 7/15km mặt đường bê tông xi măng.
Nhà thầu cũng đã thi công 25/28 cống lớn, 75/105 cống nhỏ, 2 cống tràn liên hợp. Hiện chủ đầu tập trung đôn đốc đơn vị thi công các hạng mục gia cố, đường dẫn các cầu và các biện pháp an toàn giao thông trên tuyến.
Xây dựng phương án phòng chống lụt bão
Ông Nguyễn Viết Biên cho biết thêm: Sau đợt mưa bão năm ngoái, nhiều đoạn trên tuyến đường Phú Yên - Gia Lai bị sình lầy, khó đi lại. Mặt đường dày đặc “ổ gà” cùng những vũng nước lớn; taluy trên toàn tuyến bị sạt lở.
Vì là công trình vừa thi công vừa khai thác sử dụng nên công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến được đặt lên hàng đầu. Nhà thầu đã cắm biển báo tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, mất an toàn để cảnh báo người dân.
Các đơn vị thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời di dời vật tư thiết bị và nhân lực lên vị trí an toàn, để tránh thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra mưa bão, lũ lụt; kịp thời sửa chữa khắc phục đảm bảo an toàn giao thông các vị trí đọng nước, trơn trượt, đảm bảo giao thông được thông suốt.
Đồng thời, nhà thầu thường xuyên rà soát và kịp thời bố trí biển báo, rào chắn cho người, phương tiện tham gia giao thông tại các vị trí có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông (sạt lở taluy dương, sụt trượt taluy âm).
Khi xảy ra mưa lũ, nhà thầu phối hợp cùng với địa phương, ứng trực tại các vị trí có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn để kịp thời phân luồng hướng dẫn giao thông, khi cần thiết phải rào chắn, cấm người và phương tiện lưu thông qua lại.
Trong khi đó, theo ông Đinh Tiến Sĩ, công tác phòng chống lụt bão trên công trình cầu Dinh Ông được chủ động ngay từ đầu mùa mưa. Trong tháng 10 này, nhà thầu sẽ tháo dỡ cầu tạm, rút toàn bộ máy móc, thiết bị dưới nước lên để tránh thiệt hại khi lũ về. Các đơn vị sẽ tập trung thi công phần mặt cầu và đường dẫn. Công trình có vị trí xa khu dân cư nên ít lo ngại đến an toàn tính mạng của người bên ngoài. Nhà thầu chủ động rào chắn công trình, treo biển báo cảnh báo.
Trên công trường, công nhân phải sử dụng các trang phục bảo hộ lao động. Với sự chuẩn bị kỹ, hy vọng công trình sẽ không gặp nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến tiến độ chung như mùa mưa bão năm ngoái. Dự kiến, công trình cầu Dinh Ông sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 như đã cam kết với tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, cho biết: Để đảm bảo an toàn cho các công trình giao thông trong mùa mưa bão, đơn vị vừa đề nghị các chủ đầu tư, địa phương có công trình giao thông đang triển khai trên địa bàn tỉnh tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động trong mùa mưa bão sắp đến.
Các chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công đảm bảo chất lượng công trình, có điểm dừng kỹ thuật hợp lý, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tránh thiệt hại trong mùa mưa bão. Đối với các công trình vừa thi công, vừa khai thác, nhà thầu thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại; không để xảy ra tình trạng ngập úng, gây hư hỏng công trình.