Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1886/QĐ-BGTVT ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.
Trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, là một trong những thách thức lớn đối với việc phát triển bền vững của đất nước, ngày 18/6/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về phòng, chống thiên tai, tiếp đến ngày 13/7/2018 Chính phủ có Chỉ thị số 19/CT-TTg về công tác phòng, tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất và trước đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2010.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ đối với ngành giao thông vận tải trong công tác phòng, chống thiên tai là phải làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, đảm bảo giao thông luôn thông suốt; phát triển giao thông vận tải phù hợp với chiến lược và kế hoạch phòng, chống thiên tai; hạn chế làm gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là ngập lụt, sạt lở, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Kế hoạch thực hiện.
Ảnh minh họa
Kế hoạch nhằm xác định cụ thể các nhiệm vụ tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai của ngành giao thông vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết, Chỉ thị nêu trên; làm cơ sở pháp lý để hàng năm các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện công tác phòng chống thiên tai một cách đồng bộ, kịp thời, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do thiên tai gây ra, đảm bảo giao thông luôn thông suốt, đồng thời làm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Kế hoạch đưa ra 8 nhiệm vụ trọng tâm đó là: (1) Trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện phát triển giao thông vận tải phải phù hợp với chiến lược và kế hoạch phòng, chống thiên tai, hạn chế làm gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là ngập lụt, sạt lở. (2) Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn để xây dựng các công trình giao thông có khả năng chống chịu, an toàn trước các rủi ro thiên tai; (3) Xây dựng, triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão; (4) Kiểm tra, rà soát các tuyến đường giao thông gây cản trở đến việc thoát lũ, trên các tuyến đường quốc lộ (đặc biệt tuyến Quốc lộ 1) và đường sắt Bắc - Nam tại khu vực miền Trung; đề xuất phương án khắc phục; (5) Rà soát Quy hoạch và xây dựng khu neo đậu cho tàu thuyền vận tải tránh trú bão; hướng dẫn tàu vận tải, tàu hàng, tàu du lịch neo đậu an toàn khi có bão, lũ; chỉ đạo kiểm tra và có các giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải, tàu hàng khi có thiên tai; (6) Chuẩn bị vật tư dự trữ, phương tiện và lực lượng sẵn sàng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông luôn thông suốt khi có sự cố, thiên tai; (7) Quy hoạch, xây dựng hệ thống kho chứa vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo giao thông; (8) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an toàn an ninh hàng hải trên Hệ thống Đài thông tin duyên hải.
Về tổ chức thực hiện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ chủ trì tổ chức triển khai, theo dõi đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ việc thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả và báo cáo Bộ trước ngày 10/12 hàng năm. Các đơn vị thuộc Bộ căn cứ nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch này để triển khai cụ thể tại đơn vị; phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo phân công. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hàng năm và các nguồn khác theo quy định của pháp luật./.
X.N