Thanh Hóa: An toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa bão

Thứ ba, 13/10/2020 07:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa, ngay từ đầu năm, ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa.

Bến đò Hòa Lộc (Hậu Lộc) chở khách qua sông Lạch Trường

Bên cạnh đó, công tác đôn đốc, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra hoạt động vận chuyển khách ngang sông được phân công, phân nhiệm đến chính quyền các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa được chú trọng và huy động được sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, nhà trường, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn. Công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy được chú trọng, điển hình là TP Thanh Hóa; các huyện Nga Sơn, Như Thanh, Thạch Thành. Đi đôi với đó, ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố có sông, kênh chảy qua đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch thực hiện năm 2020. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình hành động “Vì an toàn của trẻ em trên sông nước” đã được các địa phương triển khai đến các xã, thị trấn, thôn, bản, khu dân cư và các trường học.

Công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT đường thủy được các lực lượng chức năng quan tâm; trong quá trình tuần tra, kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản, ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện thủy, đò ngang chưa được cấp phép hoạt động, người lái đò chưa có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không đảm bảo an toàn. Hầu hết các phương tiện đò ngang đã được trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh, cặp nổi cho học sinh do Ban ATGT tỉnh và các tổ chức cấp; việc quản lý dụng cụ nổi cứu sinh được giao trực tiếp cho chính quyền các xã, phường, thị trấn và các chủ phương tiện. Các cầu phao dân sinh đã được đơn vị quản lý lắp đặt lan can cầu, được sửa chữa thường xuyên và luôn được kiểm tra mức độ an toàn, như: Cầu phao Thành Vinh (Thạch Thành); cầu phao Vồm, xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa)...

Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế tại một số huyện trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, cho thấy: Công tác quản lý và nắm bắt tình hình hoạt động phương tiện thủy, hoạt động của các phương tiện chở khách ngang sông, chở khách du lịch trên các sông hồ, hoạt động của các mỏ khai thác vật liệu cát, sỏi; đặc biệt, các hồ thủy điện trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa do chưa được đưa vào quản lý luồng tuyến, chưa có cơ chế phối hợp quản lý nên hoạt động của các phương tiện thủy tự chế đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT đường thủy tại một số địa phương chưa sâu rộng, chưa đến được với người dân. Hầu hết các bến đò đều chưa có nhà chờ cho hành khách, chưa có nội quy đi đò và chưa niêm yết bảng giá do cấp có thẩm quyền quy định. Đường lên, xuống ở một số bến đò trên địa bàn huyện Mường Lát, Quan Hóa chưa được xây dựng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân khi đi lại.

Do công tác quản lý, bảo quản của một số chủ đò chưa tốt đã làm cho dụng cụ nổi cứu sinh nhanh hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo cho người sử dụng. Do lực lượng chức năng mỏng, thiếu phương tiện, thiết bị nên công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy nội địa ở các địa phương còn hạn chế, chưa thường xuyên. Một số đò chở khách ngang sông người lái đò chưa được đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn. Công tác kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các chủ phương tiện định kỳ làm thủ tục gia hạn cấp phép hoạt động của bến, tổ chức đăng ký, đăng kiểm chưa kịp thời; các chủ đò chưa chủ động trong việc làm thủ tục quy định; như: Huyện Quan Hóa có 2/6 bến đò chưa được cấp phép, các phương tiện đã được đăng ký, đăng kiểm nhưng người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn; huyện Hậu Lộc có 3/9 bến đò đã hết hạn cấp phép hoạt động, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn; đặc biệt là huyện Mường Lát có 64 phương tiện thủy (phục vụ sản xuất, tham quan, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản) và 12 bến đò tự phát, tất cả đều không đảm bảo thủ tục quy định. Trên địa bàn huyện Mường Lát, Quan Hóa đã xuất hiện các cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy loại nhỏ tự phát nhưng chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý. Một số mỏ cát, bãi cát, sỏi đã được cấp phép khai thác trên các tuyến sông chưa được cấp phép bến thủy nội địa để tập kết vật liệu từ sông lên bờ (như bãi cát Công ty TNHH Tuấn Thơ, xã Nga Phượng; bãi cát của Công ty TNHH Thành Hưng, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn), vật liệu tập kết chưa đúng vị trí quy định; hệ thống biển báo, phao tiêu chưa được lắp đặt tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, làm thay đổi luồng tuyến gây mất an toàn cho phương tiện thủy khi lưu thông; các phương tiện vận chuyển cát, sỏi hầu hết chưa được đăng, ký đăng kiểm.

Từ thực tế trên, đồng chí Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: Ban ATGT tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa gắn với phát động sâu rộng thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; nhất là tổ chức tuyên truyền cho người dân ven sông, suối, hồ, các bến khách ngang sông, các cháu học sinh hằng ngày qua sông suối đi học. Các địa phương tiếp tục tập trung rà soát, phân loại phương tiện thủy nội địa để đưa vào quản lý; nhất là trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa và là nơi trên địa bàn đã hình thành các hồ thủy điện và có nhiều hộ dân đang tự phát đóng phương tiện đi lại, mưu sinh trên lòng hồ.

Các chủ khai thác, vận hành cầu phao thường xuyên kiểm tra, khắc phục hư hỏng mặt cầu, chất lượng phao, dây neo cầu, làm đường lên xuống thuận tiện, lắp đặt biển báo, lan can cầu đảm bảo an toàn cho người dân đi lại; ngừng hoạt động khai thác cầu khi mực nước, dòng chảy trên các tuyến sông, suối không bảo đảm an toàn. Yêu cầu chính quyền cấp xã và các chủ đò, chủ cầu phao trên địa bàn ký cam kết đảm bảo an toàn trong hoạt động vận chuyển khách; trong đó, xác định trách nhiệm của chủ đò trong việc không cho đò xuất bến khi người tham gia giao thông không tuân thủ những quy định an toàn; khi tình hình thời tiết, khí hậu, mực nước trên các sông, hồ có những diễn biến phức tạp; các bến đò, cầu phao phải có nội quy, bảng niêm yết giá theo quy định.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn, không đảm bảo các thủ tục pháp lý quy định; nghiêm cấm triệt để việc sử dụng bè mảng chở khách, chở các cháu học sinh đi học trên các tuyến sông, kênh.

Chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự, ATGT mùa mưa bão 2020; trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền trong việc thực thi nhiệm vụ đảm bảo ATGT đường thủy trong mùa mưa bão; chuẩn bị các địa điểm an toàn để các phương tiện thủy trú, tránh khi có mưa, bão; thiết lập điện thoại đường dây nóng, đảm bảo lực lượng ứng trực 24h/24h để tiếp nhận xử lý thông tin; sẵn sàng tham gia phối hợp giải quyết các tình huống và kịp thời ứng cứu, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra mất trật tự, ATGT đường thủy; có quy định để các trường chủ động cho học sinh đi học qua sông suối được nghỉ học khi mực nước các sông, suối, hồ không đảm bảo an toàn.

Chính quyền các xã có bến khách ngang sông, các chủ phương tiện chở khách ngang sông chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Ban ATGT huyện trong việc quản lý, bảo quản, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh.

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)