Ban ATGT thành phố Hà Nội cho biết vừa phối hợp với Công ty TNHH dịch vụ vận tải Sinh Thái Vinbus thực hiện chương trình truyền hình thực tế “Chặng đường xanh" để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng giao thông công cộng, giảm ùn tắc và bảo vệ môi trường.
Người khuyết tật có thể sử dụng xe buýt điện thuận tiện (Ảnh: Báo Giao thông)
Chương trình “Chặng đường xanh” sẽ được phát sóng trên Fanpage VTV24 và kênh youtube VTV24 vào lúc 7h00; kênh VTC1- Đài truyền hình kỹ thuật số VTC vào lúc 21h15 và ứng dụng VTC Now hàng tuần.
Chương trình quy tụ các gương mặt nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực như: ca hát, diễn xuất, thể thao và những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội như: Nhà báo Trương Anh Ngọc, Ca sỹ Bảo Trâm, Rapper Phong Windy, Kholodova Liliya (Hàng xóm Tây), Nguyễn Hoàng Thảo (Nhà sáng lập Go Eco Hanoi), cặp đôi lính chì Bảo Ngọc - Lệ Thu…Nhiều nghệ sĩ và những người dân xuất hiện trong chương trình cũng bày tỏ sự yêu mến và cảm nhận được ý nghĩa mà chương trình “Chặng đường xanh” mang đến.
Với 20 tập phát sóng, “Chặng đường xanh” là chương trình truyền hình thực tế kết hợp ba yếu tố: thiết thực, nhân văn và hấp dẫn.
Mỗi tập là một hành trình trải nghiệm trên xe buýt điện VinBus đến các điểm nổi tiếng của Hà Nội. Khán giả không chỉ được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, du lịch, ẩm thực,… của Thủ đô mà còn được hiểu hơn về những lợi ích của việc tham gia giao thông công cộng hay những câu chuyện giản dị ý nghĩa về việc làm thế nào để bảo vệ sức khỏe, giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
Trước đó, ngày 2/12/ 2021, Sở GTVT Hà Nội và Công ty TNHH dịch vụ sinh thái VinBus khai trương 3 tuyến buýt điện đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của thành phố nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, mang đến "trải nghiệm xanh", tiện nghi cho người dân.
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trong thời gian qua trên địa bàn rất lớn, khoảng 10%/năm. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng đường bộ chỉ tăng 3 đến 4%/năm và quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm.
Điều này khiến cho ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng; đặc biệt, ô nhiễm không khí từ khí thải phương tiện giao thông đang ở mức cao với tỷ lệ trên 70%.
Đến năm 2025, với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện nay, dự báo Hà Nội sẽ có khoảng 1,3 triệu ôtô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 sẽ có khoảng 1,7 triệu ôtô và 7,7 triệu xe máy, phương tiện cơ giới cá nhân khi này sẽ vượt năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị từ 7,5 lần đến 10,6 lần.
Mức độ ùn tắc và ô nhiễm môi trường chắc chắn sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không có những giải pháp căn cơ, quyết liệt. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04/2017 của HĐND TP. Hà Nội về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”, UBND TP đã triển khai đồng bộ 37 nhóm giải pháp bao gồm các giải pháp hành chính và giải pháp kinh tế.
Trong đó, các nhóm giải pháp về cải thiện và phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng tiếp tục được TP. Hà Nội quan tâm chỉ đạo thực hiện hướng tới hình thành một mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức tiên tiến, thân thiện môi trường. Đây được coi là giải pháp quan trọng để giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
X.N