Các nhà sản xuất xe không ngừng chạy đua công nghệ tiết kiệm nhiên liệu để chứng minh tính ưu việt và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Xe càng ăn ít xăng càng đắt khách
Từ ngày 1/1/2020, các mẫu xe máy tại Việt Nam trước khi bán ra thị trường đều phải dán nhãn năng lượng, công bố mức tiêu hao nhiên liệu. Hiện đã có hàng trăm mẫu xe máy công bố mức tiêu hao nhiên liệu.
Nhãn năng lượng dán trên xe máy
Trước đó, từ 1/1/2018 tất cả các mẫu xe ô tô mới loại dưới 9 chỗ được bán tại thị trường Việt Nam cũng buộc phải dán nhãn năng lượng, công bố mức tiêu hao nhiên liệu. Nhãn năng lượng phải được dán bên trong xe, phía người lái, ở cửa kính bên cố định phía sau hoặc kính chắn gió phía sau, tại vị trí dễ quan sát nhìn từ bên ngoài xe. Nhãn năng lượng phải được duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Miếng tem dán năng lượng màu xanh lá cây được dán trên ô tô xe máy ở vị trí dễ nhìn, trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.
Những công nghệ tiết kiệm nhiên liệu trên các mẫu xe
Đằng sau nhãn năng lượng này là một cuộc ganh đua mạnh mẽ của các nhà sản xuất. Tiêu chí đặt ra, mô tả ngắn gọn là: “Xe ăn càng ít xăng càng tốt”. Hiện nay các hãng xe đã phát triển và đưa nhiều công nghệ tiết kiệm nhiên liệu lên các mẫu xe.
Đầu tiên phải kể tới công nghệ phun xăng điện tử, trước đây chỉ có trên ô tô nhưng sau đã dần tích hợp trên cả xe máy. Hệ thống phun xăng điện tử hoạt động dựa trên các cảm biến về oxy, vị trí bướm ga, vị trí trục cam... Bộ điều khiển trung tâm dùng các thông số của cảm biến để đưa ra quyết định lượng nhiên liệu sẽ được phun vào buồng đốt. Từ đó, công nghệ này đảm bảo động cơ luôn hoạt động mượt mà, không xảy ra tình trạng thiếu hay dư nhiên liệu, giúp xe tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Công nghệ van biến thiên được sử dụng để giảm tiêu hao nhiên liệu
Tiếp đến phải kể tới công nghệ van biến thiên, được áp dụng trên nhiều mẫu ô tô, thậm chí cả xe máy hiện nay. Về vật lý, một khối động cơ mạnh mẽ ở vòng tua cao sẽ bị yếu ở vòng tua thấp, và ngược lại. Van biến thiên được chế tạo để giải quyết vấn đề này và vẫn đảm bảo động cơ không tiêu tốn quá nhiều nhiên liệu.
Bên cạnh đó, công nghệ tạm ngắt động cơ (Idling Stop) xuất hiện đầu tiên trên xe máy Honda cách đây khoảng hơn chục năm, được xem là kỳ tích công nghệ nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Theo nhà sản xuất công bố, công nghệ này giúp chiếc xe Honda Vision có công nghệ Idling Stop tiết kiệm được 29% nhiên liệu, mức ăn xăng chỉ còn 1,87 lít/100 km.
Một quản lý showroom đại lý Honda Thắng Lợi (đường Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội) cho hay, nhiều mẫu xe sử dụng động cơ thông thường, dù giá rẻ hơn nhưng không được khách hàng ưa chuộng. Đa phần họ chọn xe động cơ công nghệ thế hệ mới, tiết kiệm nhiên liệu, với cách suy nghĩ: “Về lâu về dài xe tiết kiệm nhiên liệu vẫn kinh tế hơn”.
Nhiều mẫu xe bình dân tại Việt Nam hiện được trang bị công nghệ
ngắt động cơ tạm thời, đáng chú ý trong đó là thương hiệu Mazda
Đối với ô tô, công nghệ tạm ngắt động cơ (Start/Stop Engine) cũng nhằm mục đích tiết kiệm nhiên liệu. Công nghệ này trước đây chỉ có trên các xe hạng sang như Audi, Mercedes, BMW, nhưng nay đã hiện diện trên nhiều dòng xe của các thương hiệu phổ thông như: Mazda, Suzuki, Toyota, Nissan, Hyundai… Thậm chí, một vài hãng lớn như Toyota còn dự định tiêu chuẩn hóa trang bị này trên tất cả các mẫu xe của mình trong tương lai gần.
Cuối cùng, để giúp ô tô tiết kiệm nhiên liệu hơn, công nghệ hybrid ra đời. Cũng giống các công nghệ trên, hybrid được tích hợp nhiều nhất trên ô tô, nhưng xe máy hiện nay cũng đã có.
Các mẫu xe tại Việt Nam được trang bị công nghệ này gồm Toyota Corolla Cross 1.8HV, Corolla Altis 1.8HV, Camry 2.5HV hay Yamaha Grande.
Ngoại trừ Toyota Corolla Altis vừa ra mắt chưa được xếp hạng, còn lại 3 mẫu xe nói trên đều góp mặt trong "Bảng xếp hạng xe tiết kiệm nhiên liệu nhất tại Việt Nam" do Báo Giao thông vừa công bố. Điều này là minh chứng rõ nhất cho việc công nghệ hybrid giúp xe tiết kiệm nhiên liệu.
Toyota Corolla Cross phiên bản hybrid là mẫu ô tô
phổ thông tiết kiệm nhiên liệu nhất hiện nay
Về phương diện quản lý nhà nước, hiện nay Trung Quốc là nước duy nhất áp dụng tiêu chuẩn tạm gọi là “trần nhiên liệu” - mức nhiên liệu hạn định lớn nhất không được vượt qua. Chẳng hạn xe máy từ 50 - 100cc không được tiêu thụ quá 2,3 lít/ 100km, xe 100 - 150cc không vượt quá 2,5 lít/ 100km. Nước này tiếp tục đang xây dựng giai đoạn hai của mức “trần nhiên liệu” nhưng chưa rõ lộ trình.
Tại Việt Nam, hàng năm cơ quan quản lý sẽ giám sát bằng cách lập kế hoạch và thực hiện kiểm tra việc tuân thủ về công khai thông tin mức tiêu thụ nhiên liệu và thực hiện dán nhãn của cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh ô tô xe máy theo quy định.
Cơ quan quản lý thuộc Bộ Công thương, Bộ GTVT cũng sẽ kiểm tra đột xuất nếu nhận được phản ánh, khiếu nại về dấu hiệu vi phạm quy định liên quan đến thực hiện dán nhãn năng lượng. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm rõ ràng liên quan mức tiêu thụ nhiên liệu đã công khai, cơ quan này có quyền yêu cầu cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thử nghiệm lại mức tiêu thụ nhiên liệu.