Phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn chính thải ra các thành phần trực tiếp hoặc kết hợp để tạo thành các chất ô nhiễm thứ cấp ảnh hưởng có hại đối với sức khỏe con người...
TS. Ngô Kim Định, ThS. Nguyễn Hữu Tiến
Vụ Môi trường Bộ GTVT
1. Ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông đường Bộ
Phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn chính thải ra các thành phần trực tiếp hoặc kết hợp để tạo thành các chất ô nhiễm thứ cấp ảnh hưởng có hại đối với sức khỏe con người bao gồm: các hợp chất chứa chì (PbO, PbCl2, PbSO4, Pb(HC)4, …), các HydroCarbon (HC) có trong nhiên liệu (như benzen, toluene, xylene …), bụi lơ lửng (TSP, PM10, PM2,5), cacbon monoxit (CO), các hợp chất dẫn xuất của hydro cacbon (HXC), lưu huỳnh điôxít (SO2), các ôxít Nitơ (NOx), ôzôn, ... Trong khí thải xe cơ giới còn chứa lượng lớn các thành phần gây hiệu ứng nhà kính như cacbon điôxít (CO2), mê tan (CH4) và N2O. Theo ước tính của tổ chức IEA năm 2006 cho thấy lĩnh vực giao thông vận tải gây phát thải 23% tổng lượng CO2 phát thải quy đổi toàn cầu.
Ô nhiễm không khí tại các trục đường bộ và các khu vực dân cư dọc hành lang đường bộ chủ yếu là do khí thải các loại xe cơ giới. Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2007, hoạt động giao thông vận tải chiếm 70-90 % tổng lượng ô nhiễm không khí đô thị. Trong đó, khí thải xe cơ giới là nguồn chính gây ô nhiễm CO, HC, PM10, NOx.
Chính vì các lý do trên, các nhà hoạch định chính sách đã quan tâm và tìm cách giảm phát thải khí nhà kính và các khí độc hại khác từ hoạt động giao thông vận tải mà một trong những giải pháp đó là khuyến khích sử dụng LPG, CNG trong giao thông vận tải.
2. Lợi ích của việc sử dụng PLG và CNG trong GTVT và những thành công bước đầu ở Việt Nam
Hiện đã có thông tin đầy đủ về lợi ích của việc sử dụng CNG và LPG đối với môi trường. Thực tế chỉ ra rằng khí tự nhiên là nhiên liệu sạch, rẻ và sẵn có ở nhiều nơi trên thế giới. Do thành phần chủ yếu của khí tự nhiên là metan (chiếm tới 85-99%) nên phương tiện chạy bằng khí nén tự nhiên (CNG) tạo ra khí thải HC không metan ít hơn so với xe chạy xăng và vì hệ thống nhiên liệu kín nên ít khí thải bay hơi. Với hiệu suất năng lượng tương đương, khí nhà kính (GHG) thải ra từ động cơ chạy bằng CNG thấp hơn khoảng 15-20%, NOx thấp hơn 35% so với xe chạy bằng xăng. Khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) là loại nhiên liệu dùng cho động cơ đánh lửa, nó cũng có nhiều lợi thế như khí tự nhiên. Vì vậy LPG đang được sử dụng rộng rãi làm nhiên liệu cho phương tiện giao thông ở các nước phát triển như: Mỹ, Canada, Hà Lan, Nhật Bản, ... Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Gas thế giới, tính đến 2007 mạng phân phối LPG cho auto gas trên phạm vi 70 quốc gia và vùng lãnh thổ là 51.730 điểm, đang cung cấp LPG cho 13 triệu xe ô tô các loại.
Ở Việt Nam thời gian qua cùng với quá trình đô thị hoá, vấn đề ứng dụng CNG và LPG trong giao thông vận tải cũng đã được các nhà quản lý quan tâm. Một số đề án thí điểm sử dụng CNG và LPG đã được nghiên cứu triển khai như:
- Năm 2003- 2006 Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự (Tổng Công ty công nghiệp ô tô Việt Nam) đã đầu tư thí điểm dự án chuyển đổi xe xăng sang chạy LPG. Đến năm 2006 Công ty cơ khí Ngô Gia Tự đã làm chủ được công nghệ chuyển đổi, lắp đặt 1 trạm LPG ở Hà Nội và tổ chức vận hành 30 xe taxi chạy nhiên liệu LPG tại Hà Nội.
- Từ 2006, thành phố Đà nẵng đã bắt đầu cho sử dụng các xe thùng 3 bánh chạy LPG phục vụ công tác thu gom rác thải sinh hoạt tại công ty môi trường đô thị.
- Đặc biệt đầu năm 2009, thành phố Hồ Chí Minh đã công bố kế hoạch thử nghiệm sử dụng CNG cho xe buýt để giảm giá thành vận tải và bảo vệ môi trường. Qua thử nghiệm, Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn dầu khí Việt Nam đang có kế hoạch ứng dụng rộng rãi xe buýt chạy bằng CNG tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Hiện tại thành phố Hồ Chí Minh đã có 3 cột nạp phục vụ gần 500 xe taxi sử dụng LPG.
- Cả nước hiện có khoảng 1.500 xe taxi chạy bằng nhiên liệu LPG, chủ yếu tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng.
3. Khó khăn và một số giải pháp phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng nhiên liệu LPG, CNG ở nước ta
Có thể nói việc chuyển đổi nhiên liệu xăng, diesel sang sử dụng CNG, LPG trong giao thông vận tải sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội, mở ra cơ hội có thể tăng hiệu suất năng lượng một số loại phương tiện, bảo vệ môi trường do giảm đáng kể khí thải trong đó có việc giảm phát thải khí nhà kính (CO2, CH4 và N2O). Tuy nhiên ứng dụng CNG, LPG trong giao thông vận tải ở nước ta mới đang ở giai đoạn bắt đầu, do đó có những trở ngại nhất định: chủ phương tiện cần đầu tư thiết bị chuyển đổi nhiên liệu, bình gas (ước tính từ 1.200 – 1.500 USD/ôtô); thiếu hạ tầng dịch vụ cung ứng LPG/CNG (kho chứa nhiên liệu, cột nạp LPG/CNG cho phương tiện); mất không gian chứa hàng; thời gian nạp nhiên liệu tăng lên, quãng đường xe chạy ngắn hơn nên đòi hỏi cần tổ chức vận tải chuyên tuyến, ...
Thực hiện Luật bảo vệ môi trường 2005, Nghị quyết số 41-NQ/TW (15/11/2004) của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước việc ứng dụng CNG, LPG đã và đang được quan tâm trong xây dựng chính sách phát triển hệ thống giao thông vận tải. Ngày 27/11/2009 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về Chương trình mục tiêu Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Tại cuộc họp này, PTT Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển các công trình hạ tầng cho viêc phát triển các phương tiện giao thông sử dụng các dạng năng lượng mới (LPG, CNG, nhiên liệu sinh học). Đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các loại phương tiện này (Thông báo số: 34/TB-CP ngày 04/12/2009 của Bộ trưởng, CNVP Chính phủ).
Để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện, doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng nhiên liệu truyền thống sang LPG/CNG chúng tôi xin kiến nghị một số biện pháp sau:
- Các khu vực gần nguồn cung cấp CNG (các tỉnh phía Nam) cần có chính sách khuyến khích thay thế xe bus dùng nhiên liệu diesel bằng xe bus sử dụng CNG. Đối với các đơn vị vận tải có các đội xe chạy chuyên tuyến, có khả năng tổ chức nạp nhiên liệu tập trung (xe chở rác, xe giao hàng tại địa phương, xe trung chuyển) cần khuyến khích doanh nghiệp thay thế xăng, diesel bằng CNG.
- Đối với các trở ngại do việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu truyền thống sang sử dụng CNG, LPG nêu trên (thiếu hạ tầng giao thông và kho chứa, chi phí bổ sung cho việc lắp đặt bình chứa nhiên liệu; mất không gian chứa hàng và thời gian nạp nhiên liệu, quãng đường xe chạy ngắn, …) cần áp dụng các giải pháp đòn bẩy kinh tế như: thuế nhiên liệu, ưu đãi đầu tư, chính sách thuế khác nên được xem xét để các cơ sở vận tải có thể chấp nhận sử dụng loại nhiên liệu này.
- Đối với các doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện chạy LPG/CNG hoặc đầu tư lắp đặt hệ thống chuyển đổi từ xăng, diesel sang LPG, CNG cho phương tiện có chính sách ưu đãi về đầu tư, về lãi suất vốn vay nhằm thúc đẩy sử dụng loại nhiên liệu này.
- Hoàn thiện hệ thống chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với loại phương tiện giao thông sử dụng LPG/CNG.
- Đối với cộng đồng: Cần tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của việc sử dụng CNG, LPG trong GTVT để người tham gia giao thông đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải nhận biết, sử dụng.
Với những thành quả đạt được đối với lĩnh vực sử dụng LPG/CNG trong GTVT, chúng ta tin tưởng rằng lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh mẽ, vững chắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo vệ môi trường quốc gia.