Đất nước ta như một con tàu trên biển, có hơn 3.260km bờ biển, kết hợp với vị trí địa lý thuận lợi nên được coi là quốc gia tiềm năng để phát triển kinh tế biển như hàng hải, du lịch, dịch vụ, khai thác hải sản, dầu khí. Nhưng biển đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng, đó là một thực tế. Quản lý, bảo vệ môi trường biển trước một cảnh báo nghiêm khắc đang cần một tầm nhìn mới.
Đất nước ta như một con tàu trên biển, có hơn 3.260km bờ biển, kết hợp với vị trí địa lý thuận lợi nên được coi là quốc gia tiềm năng để phát triển kinh tế biển như hàng hải, du lịch, dịch vụ, khai thác hải sản, dầu khí. Nhưng biển đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng, đó là một thực tế. Quản lý, bảo vệ môi trường biển trước một cảnh báo nghiêm khắc đang cần một tầm nhìn mới.
Biển không chỉ có giàu và đẹp...
Khi nói về tiềm năng của biển, người Việt Nam ai cũng nhớ câu “Đất nước ta rừng vàng, biển bạc”. Biển Đông Việt Nam có diện tích 3.447.000km2, có độ sâu trung bình -1.140m, nơi sâu nhất -5.416m; thềm lục địa có độ sâu chưa đến 200m chiếm tới 50%. Tài nguyên của biển rất đa dạng, phong phú như một kho chứa hóa chất vô tận, trong đó nhiên liệu hóa thạch chủ yếu là dầu và khí. Nước biển chứa một kho muối khổng lồ, i-ốt, nước khoáng, hơn 60 nguyên tố hóa học khác nhau và còn là nguồn năng lượng sạch có thể khai thác được như gió, nước, nhiệt độ nước biển, các dòng hải lưu... Nguồn sinh vật rất lớn, đủ các loài động vật, thực vật, vi sinh vật. Trữ lượng hải sản ở Biển Đông thuộc vùng biển nước ta có thể khai thác trên 1 triệu tấn/năm.
Không ai phủ nhận vai trò to lớn của kinh tế biển đối với sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Nhưng, muốn khai thác tiềm năng của biển theo những mục tiêu mà Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đặt ra, chúng ta phải bảo vệ, quản lý, giữ gìn môi trường biển, bởi hàng ngày biển đang bị đe dọa từ chính những hoạt động vô thức và có ý thức của con người. Môi trường biển đang kêu cứu.
Những tác nhân gây ô nhiễm môi trường biển
Nước từ những con suối, lạch sông đổ ra sông lớn rồi đổ ra biển. Việt Nam đã có gần chục con sông “chết”, điển hình như sông Thị Vải, sông Đồng Nai, sông Đáy, sông Cầu, sông Nhuệ... Các nguồn ô nhiễm từ lục địa theo sông mang ra biển như dầu thải, nước thải chưa qua xử lý, chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, hóa chất, thuốc súng, chất phóng xạ, các chất thải rắn... tất cả đều đổ ra biển. Có những loại không phân hủy được đọng lại ở ven bờ, chìm xuống đáy biển, những chất phân hủy thì hòa lẫn trong nước biển.
Những công trình trên biển ngày càng mọc lên. Sự khan hiếm tài nguyên trên lục địa nên con người ra biển để khai khoáng, đóng tàu, khai thác dầu khí... - Những hoạt động này đều tác động đến môi trường. Việc gia công xây lắp các công trình giàn khoan, những phương tiện vận chuyển, vật liệu thải loại khi xây lắp công trình... đều tác động mạnh đến hệ sinh thái biển, chất lượng nước biển, trầm tích biển. Hầu hết các công trình cảng và hoạt động của cảng đều tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên như mất nơi sinh cư do lấy đất xây dựng, ô nhiễm nước, đất, không khí, tiếng ồn... trong khu vực cảng và vùng phụ cận. Các công trình sản xuất, nhà máy đóng tàu, khu du lịch và rất nhiều hoạt động khác đều tác động xấu đến môi trường tự nhiên của biển.
Vận tải biển là một lợi thế lớn về kinh tế, nhờ vào ưu thế vượt trội của nó so với các loại hình vận tải khác, nhưng cũng tác động xấu đến môi trường. Từ việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông, nạo vét luồng lạch, dẫn đến phá hoại sinh thái vùng cửa sông, ven biển ngập mặn, vùng đất chua phèn, tạo nên một sự đảo lộn, cùng với việc đổ phế thải dầu, mỡ. Hệ thống đường thủy phát triển, phương tiện vận tải ngày càng nhiều, lượng dầu mỡ thải thoát chiếm tới 50% nguồn gây ô nhiễm…
Con người quan niệm nước làm sạch được tất cả, nên chính con người đã biến biển thành thùng rác. Con người đổ xuống biển tất cả rác thải, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế ngăn cấm đổ xuống biển hay chôn dưới biển các chất thải phóng xạ. Tính riêng nước Mỹ, năm 1961 đổ ra biển 4.087 thùng và năm 1962 là 6.120 thùng phóng xạ, rồi nhiên liệu tên lửa, bom mìn; năm 1963, Hải quân Mỹ đổ xuống biển 40 nghìn thùng thuốc nổ... Biển như một thùng rác không đáy. Biển mênh mông và sâu thẳm, nước có thể làm sạch được nhiều chất ô nhiễm do con người đổ vào, nhưng nếu con người không ngừng đổ ra biển tất cả chất thải chưa qua xử lý, số lượng ngày càng nhiều, thì biển sẽ quá tải. Con người coi biển là thùng rác, đến lúc nào đó sự ô nhiễm quá mức sẽ quay lại gây tác hại cho con người.
Cần một tầm nhìn mới
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định kinh tế biển là mũi nhọn, nhằm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, công nghệ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhưng chỉ có thể phát triển bền vững khi quản lý, giữ gìn, bảo vệ tốt môi trường biển. Khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đi cùng bảo vệ, tái tạo để hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như biến động thiên tai.
Mặc dù nhiều thông số còn nằm trong giới hạn cho phép nhưng môi trường biển đang suy thoái, kết hợp ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Để dẫn đến tình trạng biển bị ô nhiễm có nguyên nhân về nhận thức và tầm nhìn, nên kiểm tra kiểm soát, phòng chống chưa đúng với vị trí, chưa được quan tâm đúng mức, quản lý chưa chặt chẽ của các cấp và chính quyền địa phương. Hệ thống luật pháp của nước ta chưa đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường biển để làm hành lang pháp lý quy định và xét xử các vi phạm môi trường biển. Nhận thức chưa đúng tầm nên đầu tư mọi mặt từ nguồn lực, cơ sở vật chất… chưa đáp ứng yêu cầu quan trắc, thẩm định giúp cho công tác quản lý môi trường biển. Với người dân, vẫn coi biển là thùng rác khổng lồ, nên ý thức tự giác giữ gìn môi trường rất kém.
Nhà nước, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa các nội dung Luật Bảo vệ môi trường 2005 thành những nội dung dưới luật cụ thể về bảo vệ môi trường biển, phù hợp thực tế, có tính khả thi. Triển khai rộng rãi chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường biển để huy động các nguồn lực cho nhiệm vụ này; nghiên cứu chính sách về thuế môi trường, về chế độ đãi ngộ cho từng đối tượng, từng công việc cụ thể; tăng cường hợp tác quốc tế để giám sát các nguồn thải ra biển từ những quốc gia khác; tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế cho hoạt động nghiên cứu giám sát, quản lý về ô nhiễm biển, cùng nhau bảo vệ môi trường biển.
Bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển, là vấn đề sống còn và cấp bách, vì môi trường có ảnh hưởng lâu dài, sâu sắc đến đời sống, sản xuất, sự phát triển tồn tại của từng quốc gia, dân tộc. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, xem kinh tế biển là mũi nhọn, chúng ta cần coi trọng công tác bảo vệ môi trường biển ở một tầm nhìn mới, vì đầu tư cho môi trường chính là đầu tư cho tương lai.
Tạp chí HHVN