Ô nhiễm ven biển có chiều hướng gia tăng

Thứ hai, 08/10/2012 07:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngoài ra, khả năng gây ô nhiễm từ các hoạt động hàng hải là rất lớn, đặc biệt là ô nhiễm do khí thải và nước thải từ các phương tiện vận tải. Nước thải thường phát sinh từ tàu biển và phương tiện hàng hải, nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển, cảng biển, bãi, và kho chứa hàng.

Ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ có chiều hướng gia tăng, ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển và đặc biệt hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng – các chuyên gia nghiên cứu về biển cảnh báo

 Theo TS Nguyễn Đức Thắng, chuyên gia về biển và hải đảo, từ những áp lực phát triển kinh tế, diễn biến môi trường biển Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là môi trường đới bờ của một số vùng kinh tế trọng điểm đang có những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng. Hoạt động dân cư ven biển phát sinh nhiều loại chất thải ra môi trường và thải đổ vào biển qua hệ thống sông ngòi kênh rạch.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Trung tâm Nghiên cứu Biển&Hải đảo, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết môi trường biển bị biến đổi theo chiều hướng xấu, ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng,… 

Ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ có chiều hướng gia tăng, ô nhiễm dầu đã trở nên tràn lan, ô nhiễm kim loại nặng đã xảy ra ở một số nơi - GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, chia sẻ tại một hội thảo về phát triển bền vững mới đây ở Hà Nội.

“Chất thải và nước thải sinh hoạt từ các dịch vụ du lịch là nguyên nhân trực tiếp làm ô nhiễm nguồn nước mặt ở khu vực gần các khách sạn, nhà nghỉ, nơi cung ứng dịch vụ du lịch”, TS Nguyễn Đức Thắng nói, “Ở Việt Nam, nước thải khu vực ven biển, trong đó du lịch là nguồn đóng góp chính, chiếm một phần tư tổng lượng nước thải toàn quốc.” 

Ngoài ra, khả năng gây ô nhiễm từ các hoạt động hàng hải là rất lớn, đặc biệt là ô nhiễm do khí thải và nước thải từ các phương tiện vận tải. Nước thải thường phát sinh từ tàu biển và phương tiện hàng hải, nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển, cảng biển, bãi, và kho chứa hàng.

Trong bối cảnh như vậy, theo ông Hồi, bên cạnh việc lựa chọn đầu tư cho một số trung tâm hướng biển mới, Việt Nam nên chú trọng tận dụng các đô thị lớn ven biển đã được thời gian thử thách theo mô hình “đô thị-cảng-biển” như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu,…Cần đầu tư cho các đô thị này cùng với một số trung tâm kinh tế hướng biển được chọn lựa để xây dựng không chỉ thành các cực phát triển mạnh ở dải ven biển mà còn là các cực đối trọng chính của các cực nói trên trong khu vực Biển Đông.

Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam càng phải cân nhắc đến tính bền vữngtrong các chính sách, chiến lược và kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế biển mà về nguyên tắc chính là phát triển một nền kinh tế xanh lam: dựa vào hệ sinh thái, ít chất thải, ít carbon, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ sạch hơn, an toàn thực phẩm và sản phẩm biển có sức cạnh tranh cao,...

Để đạt được mục tiêu của chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tạo dựng được một nền kinh tế xanh lam trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với khu vực, Việt Nam phải xây dựng được một nền công nghệ biển hiện đại; phát triển được một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế; có một phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và bảo đảm được an ninh chủ quyền vùng biển. Trong đó, phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển đang còn là những vấn đề mới mẻ đối với không chỉ các nhà khoa học và quy hoạch, mà còn đối với nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam.

Quản lý tổng hợp biển theo không gian đòi hỏi xác lập một cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển và giải quyết đồng bộ các quan hệ phát triển khác nhau, trong đó quan hệ giữa các mảng không gian cho phát triển kinh tế biển và tổ chức không gian biển hợp lý cho phát triển kinh tế biển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần đi trước một bước. Công cụ cơ bản giúp tổ chức hợp lý không gian biển cho phát triển bền vững là quy hoạch không gian biển.

Trungna - Theo moitruongxanh.org.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)