Ngày 5/7, các hãng hàng không Mỹ đã kiện Liên minh châu Âu (EU) lên Tòa án cấp cao nhất của tổ chức này về việc EU áp thuế khí thải hàng không mà họ cho là vi phạm Công ước Chicagô - văn bản pháp lý quốc tế chính liên quan đến vận chuyển hàng không.
Ngày 5/7, các hãng hàng không Mỹ đã kiện Liên minh châu Âu (EU) lên Tòa án cấp cao nhất của tổ chức này về việc EU áp thuế khí thải hàng không mà họ cho là vi phạm Công ước Chicagô - văn bản pháp lý quốc tế chính liên quan đến vận chuyển hàng không.
Nhằm thực hiện mục tiêu trở thành khu vực đi đầu thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, EU dự định đánh thuế đối với khí thải gây hiệu ứng nhà kính điôxít cácbon (CO2). Theo đó, từ tháng 1/2012, các hãng hàng không bay qua không phận EU sẽ phải mua giấy phép từ Cơ chế trao đổi hạn ngạch khí thải (ETS) của tổ chức này đối với 15% lượng khí CO2 mà mỗi chuyến bay xuyên Đại Tây dương thải ra. Chi phí cho mỗi giấy phép như vậy tương đương hơn 6 ơrô/hành khách.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Mỹ (ATA) kiện EU về 2 điểm chính: Thứ nhất, các quy định trên của EU vi phạm chủ quyền của Mỹ; thứ hai, các qui định này bao gồm một sắc thuế trái phép theo Công ước Chicagô. Các hãng hàng không Mỹ cho rằng vấn đề khí thải hàng không chỉ được giải quyết tại các tổ chức của Liên hợp quốc như Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) - cơ quan có những quy định rõ ràng nhằm ngăn chặn các nước áp thuế trái phép đối với các hãng hàng không của nhau.
Phát biểu tại Tòa án Công lý châu Âu ở Lúcxămbua, luật sư Derrick Wyatt làm việc tại ATA, lập luận EU không có thẩm quyền đưa ra qui định đối với các hãng hàng không nước thứ ba trong không phận của nước thứ ba.
Về phần mình, các luật sư EU cho biết tổ chức này đưa ngành hàng không vào thị trường trao đổi hạn ngạch khí thải của mình vì các hãng hàng không trên thế giới đã lựa chọn ETS sau khi tham khảo các cơ chế khác như thuế sinh thái hoặc thuế nhiên liệu dùng cho máy bay. Luật sư Eric White làm việc cho Ủy ban châu Âu (EC), nhấn mạnh Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) và các hãng hàng không trên thế giới luôn kêu gọi áp dụng cơ chế trao đổi hạn ngạch khí thải trên cơ sở thị trường vì cơ chế này đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Theo các nhà môi trường, các cuộc đàm phán tìm giải pháp cho vấn đề khí thải hàng không đã đình trệ 14 năm nay, vì vậy, các hãng hàng không không nên mất công sức chỉ trích một qui định nhỏ như qui định trên của EU.
KG (Theo TTXVN)