Mới đây, NASA và các đối tác đã công bố diện mạo 2 mẫu máy bay thử nghiệm được kỳ vọng sẽ thay đổi ngành hàng không thế giới vào những năm 2030.
Giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm phát thải tới 30%
Theo hãng tin CNN, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Boeing vừa công bố diện mạo mẫu máy bay X-66A mà hai bên đang hợp tác phát triển trong dự án Sustainable Flight Demonstrator tại triển lãm hàng không EAA AirVenture Oshkosh, bang Wisconsin, Mỹ vào tháng 7.
Theo đó, phần thân máy bay được sơn màu trắng, phần đuôi có các sọc màu xanh, cam và đỏ.
Trong khuôn khổ dự án Sustainable Flight Demonstrator, NASA đặt mục tiêu nghiên cứu và phát triển thành công mẫu máy bay thân hẹp, tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải X-66A trong thập kỷ này.
Ảnh đồ họa mẫu máy bay X-66A đang được NASA và Boeing hợp tác phát triển
Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết trong dự án hợp tác với Boeing, cơ quan này đặt mục tiêu phát triển và thử nghiệm mẫu máy bay có hiệu suất sử dụng nhiên liệu cao hơn, thân thiện với môi trường, giúp ngành hàng không toàn cầu hoạt động bền vững hơn và đem lại nhiều lợi ích cho hành khách.
Ông Nelson cũng cho biết NASA đặt mục tiêu hoàn thành quá trình nghiên cứu, phát triển và đưa mẫu máy bay X-66A vào vận hành vào những năm 2030.
Theo NASA, mẫu máy bay X-66A có thể giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ và lượng phát thải tới 30% so với những máy bay đi đầu về hai công nghệ trên ở thời điểm hiện tại.
Để thực hiện mục tiêu trên, NASA và Boeing đang thiết kế cánh máy bay X-66A theo mẫu thiết kế có tên Transonic Truss-Braced Wing nhằm tối ưu hóa hình dạng cánh máy bay để giảm lực cản khi phương tiện di chuyển, giúp giảm lượng nhiên liệu cần đốt cháy.
Ông Bob Pearce - chuyên gia tại NASA cho biết cơ quan đang nghiên cứu và thử nghiệm nhiều công nghệ rủi ro cao trong quá trình phát triển máy bay X-66A. NASA đang nỗ lực thử nghiệm, xác minh độ tin cậy của những công nghệ mới và dự kiến thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của mẫu X-66A kích thước hoàn chỉnh vào năm 2028.
Theo dữ liệu từ NASA, các hãng hàng không thế giới chủ yếu khai thác máy bay thân hẹp. Trong khi loại phương tiện này chiếm gần một nửa tổng lượng phát thải của hoạt động hàng không toàn cầu.
Trong khi đó, Boeing ước tính nhu cầu của ngành hàng không toàn cầu với máy bay thân hẹp trong giai đoạn từ năm 2035-2050 vào khoảng 40.000 chiếc.
NASA cũng kỳ vọng, trong tương lai, công nghệ mới mà cơ quan này và Boeing hợp tác phát triển sẽ được đưa vào ứng dụng trong khoảng 50% phi đội máy bay chở khách thân hẹp phục vụ các chuyến bay chặng ngắn và trung bình trên toàn cầu trong tương lai.
Máy bay hybrid thế hệ mới
Bên cạnh X-66A, NASA cũng đang phối hợp với các tập đoàn GE Aerospace và magniX phát triển thế hệ máy bay hybrid (lai điện) trong khuôn khổ dự án Electrified Powertrain Flight Demonstration.
Trong dự án này, NASA cùng các đối tác đặt mục tiêu phát triển các công nghệ mới trên máy bay thương mại bao gồm động cơ nhẹ hơn, hiệu suất cao hơn, các loại vật liệu, thiết bị điện tử hỗ trợ tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải.
Máy bay Saab 340B dùng cho chuyến bay thử nghiệm của GE Aerospace được sơn màu trắng và xanh. Theo NASA, dự kiến máy bay Saab 340B bắt đầu thử nghiệm từ giữa thập kỷ này.
Ảnh đồ họa các mẫu máy bay lai điện do NASA
cùng các đối tác phối hợp phát triển
Song song với đó, magniX cũng đang phát triển một hệ thống truyền lực khác và sẽ sử dụng máy bay DeHavilland “Dash 7” cho quá trình thử nghiệm. Công ty này sẽ kết hợp với AeroTEC và Air Tindi thực hiện chuyến bay thử nghiệm đối với máy bay DeHavilland sơn màu đỏ và trắng.
Đội ngũ thực hiện dự án kỳ vọng công nghệ mới sẽ ứng dụng vào máy bay có động cơ tua bin cánh quạt thường chở từ 30-70 hành khách trên các chặng bay ngắn hoặc các loại máy bay thân hẹp có sức chứa khoảng 180 hành khách.
NASA dự kiến thực hiện ít nhất hai chuyến bay thử nghiệm mẫu máy bay hybrid mới trong vòng 5 năm tới, tiến đến đưa các công nghệ mới vào ứng dụng trong máy bay thương mại ở Mỹ vào đầu những năm 2030.