Trình tự, thủ tục và các tình huống xử lý, đặc biệt đối với lực lượng thanh tra ngành giao thông vận tải trực tiếp thực thi công vụ (tiếp theo)

Thứ sáu, 12/08/2016 11:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ban biên tập Website Thanh tra Bộ tiếp tục gửi đến độc giả bài phỏng vấn ông Lê Thanh Hà - Chánh Thanh tra Bộ GTVT về các vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.

PV: Xe chở khách tuyến cố định có treo biển bến đi - bến đến (ví dụ: Yên Bái - Lài Cai) hoạt động vận chuyển khách trên tuyến không không đúng theo Sở GTVT cấp thì xử phạt VPHC theo quy định nào?

Ông Lê Thanh Hà: Trường hợp này, lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải bị xử phạt theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP như sau: Lái xe bị xử phạt về lỗi "Không chạy đúng tuyến đường, hành trình vận tải quy định" theo Điểm c Khoản 3 Điều 23. Đơn vị kinh doanh vận tải bị xử phạt về lỗi "Không thực hiện đúng nội dung đăng ký, niêm yết về hành trình chạy xe" theo Điểm d Khoản 4 Điều 28.

Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lê Thanh Hà

PV: Xe taxi không có phù hiệu, không niêm yết logo, số điện thoại của doanh nghiệp thì xử phạt theo quy định nào?

Ông Lê Thanh Hà: Trường hợp này, lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải bị xử phạt theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau: Lái xe bị xử phạt về lỗi "Điều khiển xe chở hành khách không có phù hiệu xe theo quy định" theo Điểm đ Khoản 6 Điều 23; Đơn vị kinh doanh vận tải bị xử phạt về lỗi "Sử dụng xe taxi chở khách không có logo, số điện thoại giao dịch ghi trên xe" theo Điểm đ Khoản 3 Điều 28.

PV:  Xe ô tô đăng ký kinh doanh vận tải hàng hoá phải có phù hiệu theo quy định. Vậy, đối với xe ô tô tải phục vụ nội bộ có bắt buộc phải gắn phù hiệu không, có bị kiểm tra và xử phạt vi phạm theo quy định tải Điểm c Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP không?

Ông Lê Thanh Hà: Ô tô tải chở hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho nội bộ đơn vị là trường hợp kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá không thu tiền trực tiếp thuộc đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định tại Điều 50 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT mà xe không có hoặc không gắn phù hiệu xe theo quy định thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá không thu tiền trực tiếp không thuộc đối tượng quy định tại Điều 50 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT thì không phải có giấy phép kinh doanh vận tải và xe ô tô chở hàng hàng của đơn vị không phải có phù hiệu xe, không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tải Điểm c Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, khi xử phạt trường hợp này cần xác minh, giải thích rõ ràng, lập biên bản bảo đảm chặt chẽ, tránh việc khiếu nại phát sinh.

PV: Xe hợp đồng không chạy đúng hành trình, lịch trình ghi trong hợp đồng có bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chạy không đúng lịch trình, hành trình như đối với xe chạy tuyến cố định không?

Ông Lê Thanh Hà: Quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chạy đúng lịch trình, hành trình chạy xe theo quy định chỉ được áp dụng xử phạt đối với xe tuyến cố định, không áp dụng đối với xe hợp đồng, vì lịch trình, hành trình xe tuyến cố định do Sở GTVT chấp thuận; còn lịch trình, hành trình xe hợp đồng do đơn vị kinh doanh vận tải và bên thuê xe thoả thuận trong Hợp đồng vận chuyển khách.

PV: Thanh tra giao thông không được xử phạt theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Trường hợp xe ô tô khách gắn biển số Campuchia vận chuyển hành khách tại Tp Hồ Chí Minh có vi phạm về đón, trả khách không đúng quy định, Thanh tra Sở GTVT có thẩm quyền xử lý vi phạm theo Điều 5 và Điều 23 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP không?

Ông Lê Thanh Hà: Trừ các hành vi vi phạm được quy định tại Điều 35 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, các hành vi vi phạm của xe ô tô gắn biển số nước ngoài được quy định ở các điều, khoản khác thuộc thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông vận tải được quy định tại Khoản 5 Điều 70 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP thì Thanh tra giao thông vận tải được xử phạt VPHC.

PV: Xử lý như thế nào đối với loại xe hợp đồng dưới 10 chỗ ngồi không có giấy phép kinh doanh vận tải?

Ông Lê Thanh Hà: Sử dụng xe dưới 10 chỗ ngồi kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng không có giấy phép kinh doanh vận tải thì đơn vị kinh doanh vận tải bị xử phạt vi phạm hành chính về lỗi "Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định" theo Điểm a Khoản 5 Điều 28 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
Ngoài ra, nếu phương tiện không lắp TBGSHT thì lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải còn bị xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lắp đặt, hoạt động của TBGHST theo quy định tại Điểm g Khoản 5 Điều 23 và Điểm đ Khoản 4 Điều 28 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Lưu ý trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền xử phạt phải có cơ sở xác định chủ xe có ký hợp đồng vận chuyển hành khác hoặc thu tiền vận chuyển.

PV: Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần, trong đó có từ hai hành vi trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép; chứng chỉ hành nghề như thế nào cho đúng, cộng dồn thời hạn tước hay chỉ tước đối với một hành vi?

Ông Lê Thanh Hà: Trong trường hợp này thì áp dụng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép; chứng chỉ hành nghề của hành vi vi phạm hành chính có thời hạn tước dài nhất.

Thực hiện: PV – BTV Minh Phương
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)