Năm 2021 là năm hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân bị ảnh lớn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ GTVT và các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng Thanh tra ngành GTVT đã nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất hoàn thành tốt các mặt công tác, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT
Chánh Thanh tra Lâm Văn Hoàng chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022
Năm 2021, năm khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030. Triển khai các mục tiêu, chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tiếp tục phương châm hành động “Liêm chính, chuyên nghiệp, kỷ cương, khẩn trương, quyết liệt” và mục tiêu “Phát huy truyền thống đi trước mở đường, siết chặt kỷ cương, đề cao trách nhiệm, đoàn kết sáng tạo, nâng cao hiệu quả”. Năm 2021 là năm hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân bị ảnh lớn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ GTVT và các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng Thanh tra ngành GTVT đã nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất hoàn thành tốt các mặt công tác, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT.
Kết quả đạt được:
Một là, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được duy trì, đẩy mạnh và thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung chuyên sâu với chủ đề Năm an toàn giao thông "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" với mục tiêu “Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong cộng đồng; tiếp tục giảm từ 5%-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2020; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; giảm tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải”. Bên cạnh đó, Thanh tra ngành GTVT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực GTVT. Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các nội dung: Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực GTVT; quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; kiểm soát tải trọng phương tiện, xếp hàng hóa lên xe ô tô; điều kiện kinh doanh vận tải, hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá..đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Hai là, công tác thanh tra, kiểm tra: Năm 2021, Thanh tra Bộ đã chủ trì thực hiện 24 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó 14 cuộc chuyển tiếp từ năm 2020 sang) gồm: 10 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và 14 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; đã hoàn thành 100% cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất được giao, trong đó có các cuộc kiểm tra mang tính phòng ngừa như kiểm tra dự án Cao tốc Bắc - Nam và dự án thu phí không dừng. Các cuộc thanh tra, kiểm tra đảm bảo trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ GTVT.
Công tác giám sát, đôn đốc, xử lý sau thanh tra được chú trọng thực hiện đặc biệt công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kế hoạch tiến hành thanh tra, kết luận thanh tra được tăng cường. Thời gian qua, không có thông tin phản ánh tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; các đoàn thanh thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động đoàn thanh tra. Thanh tra Bộ đã lập hồ sơ theo dõi tình hình thực hiện 32 kết luận thanh tra do Bộ GTVT Thanh tra Bộ ban hành, 02 kết luận thanh tra do các bộ, ngành ban hành liên quan đến GTVT; ban hành 48 văn bản đôn đốc, chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra; triển khai 07 đoàn kiểm tra, tổ đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra. Đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 7,5 tỷ đồng; cấm tham gia đấu thầu có thời hạn trong lĩnh vực đường thuỷ nội địa đối với 02 doanh nghiệp; kiến nghị phong tỏa tài khoản ngân hàng đối với 01 đối tượng thanh tra; kết thúc theo dõi đối với 05 kết luận thanh tra. Công tác đôn đốc, theo dõi, kiểm tra thực hiện các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành và của Bộ GTVT đã được Thanh tra Bộ tổ chức tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện tổng số 70.462 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử phạt VPHC 49.046 trường hợp với số tiền xử phạt trên 221 tỷ đồng.
Ba là, công tác xây dựng thể chế, xây dựng lực lượng; chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ được quan tâm, thực hiện thường xuyên và có hiệu quả. Thanh tra Bộ tham gia đầy đủ, có trách nhiệm và hiệu quả trong việc xây dựng trên 165 lượt văn bản quy phạm pháp luật và các đề án, chiến lược ngành; chủ động tham mưu trả lời 15 văn bản, hướng dẫn 28 câu hỏi vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật về quy trình thanh tra, xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTVT; ban hành 13 văn bản chỉ đạo Tổng cục ĐBVN, các Cục chuyên ngành thuộc Bộ, Thanh tra các Sở GTVT liên quan hoạt động thanh tra chuyên ngành, tập trung một số nội dung về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong các dịp Lễ, Tết; kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh về hoạt động GTVT; mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng xe; triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành gắn liền với công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện một số nội dung nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Trực tiếp nhận và xử lý khoảng trên 250 thông tin phản ánh về hoạt động GTVT qua số điện thoại đường dây nóng của Thanh tra Bộ. Nhiều thông tin phản ánh do Thanh tra Bộ chuyển đến đã được Thanh tra các Sở GTVT kiểm tra, xử lý theo quy định. Qua công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, Thanh tra Bộ đã phát huy trách nhiệm của toàn hệ thống thanh tra ngành GTVT, giúp các đơn vị áp dụng đúng pháp luật trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tạo được sự đồng thuận và hiệu quả cao trong các hoạt động thanh tra chuyên ngành, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về GTVT.
Lực lượng Thanh tra Sở GTVT Thái Nguyên kiểm tra, xử lý các vi phạm về vận tải đường bộ
Với tổng số lực lượng thanh tra ngành GTVT là 3.200 người, bộ máy tổ chức và hoạt động đã cơ bản phát huy được sức mạnh tổng thể của toàn hệ thống. Để tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, Thanh tra Bộ đã triển khai nhiều nội dung về xây dựng lực lượng thanh tra ngành GTVT: Đề nghị chuyển ngạnh thanh tra viên cho 03 công chức thuộc Thanh tra Bộ, 01 công chức thuộc Cục Hàng hải Việt Nam; cấp 20 thẻ công chức thanh tra, 23 thẻ kiểm tra chuyên ngành, 07 phôi thẻ kiểm tra cho công chức ngành GTVT làm công tác thanh tra chuyên ngành; luân chuyển 05 công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng và chuyển đổi vị trí công tác các công chức không giữ chức vụ lãnh đạo của Thanh tra Bộ; tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức, tăng cường biên chế, trang thiết bị cho Thanh tra Sở GTVT; chỉ đạo các Sở GTVT, Thanh tra các Sở GTVT tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành, xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTVT; hướng dẫn tổng kết, bình xét thi đua khen thưởng năm 2021 và phát động thi đua, triển khai đăng ký thi đua khen thưởng, ký giao ước thi đua năm 2022 trong lực lượng thanh tra GTVT; tham gia tích cực và có hiệu quả các phong trào thi đua do Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT, Công đoàn GTVT phát động; tổ chức các hoạt động phong trào trong cơ quan Thanh tra Bộ thiết thực và ý nghĩa...
Bốn là, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng: Đây là công tác tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GTVT. Bộ GTVT đã có nhiều biện pháp, chỉ đạo quyết liệt, chủ động trong công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết kịp thời, triệt để các nội dung khiếu nại, tố cáo trong thẩm quyền, đạt được những kết quả tích cực trong việc phát hiện, ngăn chặn, hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành GTVT.
Năm là, công tác phòng, chống dịch Covid-19: Thanh tra Bộ ban hành 03 văn bản chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu lực lượng thanh tra tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành và Thanh tra các Sở GTVT tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải, tập trung hậu kiểm tại các đầu mối xếp dỡ hàng hoá; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo TTATGT, chỉ dẫn, phân luồng, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch.
Tham gia xây dựng trên 10 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, tập trung về các nội dung: Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn tạm thời về hoạt động vận tải hành khách của 05 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 05 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo hoạt động vận tải, lưu thông hàng hoá kịp thời, thông suốt; kiểm tra, xử lý vướng mắc trong tổ chức giao thông nhằm tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hoá, nhu cầu đi lại của người dân thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong giai đoạn mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức kiểm tra, xử lý và chấm dứt ngay tình trạng ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch trên các tuyến giao thông đường bộ…; tham gia Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT về đảm bảo các hoạt động vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19; nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các Đoàn kiểm tra của Bộ GTVT về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Lực lượng thanh tra thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ và Thanh tra các Sở GTVT đã huy động, bố trí tối đa lực lượng để phục vụ công tác phòng, chống dịch trong hoạt động GTVT, góp phần quan trọng đảm bảo hoạt động vận tải an toàn, thông suốt. Thanh tra các Sở GTVT đã bố trí 1.687 người tại 377 chốt để tham gia kiểm soát dịch trong hoạt động vận tải; đã phối hợp kiểm tra trên 1,233 triệu lượt phương tiện vận chuyển hàng hoá, hành khách tại chốt kiểm soát dịch, phát hiện 86.289 lái xe vi phạm về giấy chứng nhận xét nghiệm Sars-CoV-2; đã chủ trì kiểm tra 32.250 lượt phương tiện tại 4.389 đầu mối bốc, xếp hàng hoá về phòng, chống dịch, phát hiện 151 lái xe vi phạm về giấy chứng nhận test Covid-19.
Sáu là, công tác cải cách hành chính: Thanh tra Bộ đã xây dựng và thực hiện hiện đại hóa hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc. Hiện nay, Thanh tra Bộ đang tiếp tục sử dụng 04 phần mềm tin học trong quản lý điều hành và thực hiện công việc. Thanh tra Bộ đang phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT nghiên cứu, xây dựng, nâng cấp phần mềm quản lý, điều hành của Thanh tra Bộ; tiếp tục duy trì trang website của Thanh tra Bộ GTVT để phục vụ các hoạt động truyền thông; duy trì và tiếp tục xây dựng đội ngũ cộng tác viên, biên tập viên là các đầu mối cung cấp thông tin hoạt động của lực lượng Thanh tra GTVT trên toàn quốc.
Bảy là, công tác thi đua, khen thưởng: Thanh tra Bộ đã phát động phong trào thi đua trong lực lượng Thanh tra ngành GTVT. Trên cơ sở đề nghị của các cụm thi đua, các cơ quan, đơn vị, Hội đồng thi đua khen thưởng của Thanh tra Bộ đã kịp thời xét và đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành GTVT năm 2021; Chánh Thanh tra Bộ đã quyết định tặng Giấy khen cho 26 tập thể và 57 cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành GTVT năm 2021. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời của các cấp lãnh đạo dành cho sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của lực lượng Thanh tra ngành GTVT trong thời gian qua.
Năm 2021, mặc dù tiếp tục còn nhiều khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng lực lượng Thanh tra ngành GTVT đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ chung của ngành, sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT và chính quyền địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đề ra; chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra được nâng cao, góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GTVT và công tác đảm bảo TTATGT, kiềm chế tai nạn giao thông. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Thanh tra ngành GTVT vẫn còn có một số khó khăn và hạn chế: Pháp luật về thanh tra còn có một số quy định bất cập, chưa phù hợp với hoạt động thanh tra chuyên ngành GTVT nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp với đặc thù hoạt động thanh tra ngành GTVT; lực lượng làm công tác thanh tra còn mỏng, trang thiết bị, kinh phí phục vụ hoạt động chuyên môn còn thiếu; lực lượng Thanh tra ngành GTVT dành nhiều thời gian, nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ đường thuỷ nội địa được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng chưa được quan tâm, bố trí đủ công chức để thực hiện nhiệm vụ thanh tra; công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã được các đơn vị quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra ở một số đơn vị chưa cao; chưa phát hiện được kịp thời bất cập về cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; chưa triển khai nhiều các hoạt động thanh tra theo đoàn hoặc phân công thanh tra viên tiến hành thanh tra độc lập theo quy định mà chủ yếu tập trung công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.
Năm 2022, phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2021, tiếp tục bám sát các mục tiêu, chương trình hành động và chỉ đạo của Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, lực lượng Thanh tra GTVT từ Trung ương đến địa phương sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu và quyết tâm xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngành GTVT và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Lực lượng Thanh tra ngành GTVT tiếp tục tăng cường, tập trung hoạt động thanh tra, đảm bảo hoàn thành 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất được giao; kịp thời rà soát, tham mưu điều chỉnh kế hoạch thanh tra theo quy định, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong từng giai đoạn; tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra; tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm; phát hiện bất cập về cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, Thanh tra ngành GTVT cần nỗ lực thực hiện nghiêm các giải pháp:
Một là, chủ động trong tham mưu, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch, nội dung khảo sát để triển khai thực hiện các đoàn thanh tra, kiểm tra ngay từ đầu năm 2022 trong điều kiện cho phép, ứng phó kịp thời với diễn biến của tình hình dịch Covid-19.
Hai là, tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra, tăng cường công tác kiểm tra có tính phòng ngừa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động thanh tra; nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt chú trọng việc rà soát, phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cấp có thẩm quyền kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn; triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành GTVT có trọng tâm, trọng điểm, chuyên sâu, theo chuyên đề và toàn diện.
Ba là, tập trung công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, khách quan kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ.
Bốn là, thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật, quy chế, quy trình nghiệp vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đúng theo quy định pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm, tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ.
Năm là, nghiên cứu, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, chế độ, chính sách của lực lượng thanh tra chuyên ngành GTVT nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, phòng, chống tiêu cực trong thực thi công vụ; phát động và tổ chức tốt công tác thi đua khen thưởng lực lượng thanh tra ngành GTVT.
Sáu là, tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng và tuyên truyền phổ biến pháp luật; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ Thanh tra GTVT; xây dựng lực lượng thanh tra viên, công chức Thanh tra GTVT kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới;
Bảy là, thực hiện nghiêm Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ, Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17/5/2019 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra và Chỉ thị số 07/CT-BGTVT ngày 31/8/2021 của Bộ GTVT về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ ngành GTVT; tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm, tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ.
Với tinh thần đoàn kết, nhất trí và quyết tâm cao nhất, lực lượng Thanh tra ngành GTVT sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao năm 2022, góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong ngành GTVT./.
Thu Thủy