Cà Mau: Khó khăn trong xử lý lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ

Thứ hai, 11/07/2016 08:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“Ðảm bảo trật tự hành lang an toàn đường bộ (HLATÐB) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, cơ sở quy định pháp lý, xử lý vấn đề này không đơn giản, bởi điều kiện thực tế ở địa phương", Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thới Bình - Kiều Ðức Minh tâm tình.

Trên địa bàn huyện Thới Bình có tuyến Quốc lộ 63 đi qua 3 xã với chiều dài 28 km; tuyến đường hành lang ven biển phía Nam (HLVBPN) dài khoảng 41 km qua 6 xã, tuyến Thới Bình - U Minh (đấu nối đường HLVBPN) dài khoảng 11 km; tuyến Láng Trâm nối thị trấn Thới Bình với tuyến Quốc lộ 63 dài 14 km. Ngoài ra, còn có tuyến đường Huyện Sử (Trí Phải - thị trấn Thới Bình) dài trên 9 km. Thực tế, tình trạng lấn chiếm và tái chiếm HLATÐB trên tuyến Quốc lộ 63, tuyến Láng Trâm, tuyến Huyện Sử… kéo dài từ nhiều năm nay, còn trên tuyến HLVBPN mới đưa vào sử dụng cuối năm 2015, nhưng cũng đã có nhiều hộ cất nhà lấn chiếm HLATÐB.

Phức tạp giao thông trên tuyến Quốc lộ 63.

Ông Kiều Ðức Minh cho biết, thực hiện theo Kế hoạch số 51/KH-UBND tỉnh về “Thực hiện Quyết định số 994/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự HLATÐB, đường sắt giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, những tháng đầu năm, các tổ công tác liên ngành của huyện tăng cường ra quân giải toả hành lang, vỉa hè trên các tuyến đường trọng yếu. Qua đó, nhắc nhở trên 350 hộ kinh doanh, mua bán lấn chiếm trái phép, tịch thu nhiều biển quảng cáo, dù… đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương buộc các hộ dân cam kết không tái chiếm.

“Tuy nhiên, huyện chỉ xử lý quyết liệt trong phạm vi có thể, trong khi trên nhiều tuyến đường do Trung ương, tỉnh quản lý, HLATÐB gần như bị người dân lấn chiếm hoàn toàn, song huyện khó xử lý theo quy định mà chủ yếu là vận động, thuyết phục người dân tự giác chấp hành. Ðó cũng là nguyên nhân của sự tồn tại nạn tái chiếm HLATÐB trên địa bàn huyện hàng chục năm nay”, ông Minh phân trần.

Theo lý giải của ông Minh, quyết liệt xử lý trong phạm vi có thể là như trên tuyến HLVBPN và tuyến Thới Bình - U Minh, các hộ dân đã nhận xong tiền bồi hoàn và cột mốc quy định giới hạn HLATÐB cũng đã được cắm, nên tình trạng lấn chiếm của 24 hộ dân đã được huyện xử lý xong, buộc các hộ dân cam kết không tái chiếm và giao cho chính quyền địa phương quản lý, xử lý ngay khi có tình trạng tái chiếm.

Còn “khó xử lý theo quy định” là như trên tuyến Quốc lộ 63, tuyến Láng Trâm, tuyến Huyện Sử… tuy đã có quy hoạch lộ giới, nhưng triển khai thực hiện kéo dài, các hộ dân trên tuyến này phần đông là chưa được đền bù giải toả, nên trên thực tế thì đất vẫn thuộc quyền sử dụng của dân. Thế nên, có hộ thì “cuộc sống khó khăn cho xin cất chòi tạm để buôn bán, khi nào mở rộng đường sá thì tự động tháo dỡ”. Nhưng cũng có không ít hộ dân phản ứng “đất tôi được công nhận quyền sử dụng, nếu buộc di dời thì Nhà nước phải bồi hoàn thoả đáng”…

Khó khăn của huyện Thới Bình cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thời gian qua không ít địa phương còn buông lỏng công tác quản lý HLATÐB, chưa có biện pháp xử lý ngay khi người dân mới bắt đầu san lấp, cắm cọc để cất chòi, nhà lấn chiếm… cho nên dẫn đến hệ luỵ khi mà “chuyện đã rồi" (trong đó, có cả những hộ thuê mướn đất cất trái phép và những hộ đã nhận xong tiền bồi hoàn).

Vì vậy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và lập lại trật tự HLATÐB, UBND các huyện, TP Cà Mau cần nghiêm túc thực hiện Kế hoạch số 51/KH-UBND của UBND tỉnh Cà Mau, trong đó cần tập trung tuyên truyền các quy định pháp luật trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ HLATÐB, lập kế hoạch giải toả HLATÐB. Tổ chức thực hiện cưỡng chế giải toả các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ… Ðồng thời, có hình thức xử lý nghiêm, triệt để đúng theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lấn chiếm, tái chiếm đất HLATÐB./.
 

toanld

Nguồn: Báo Cà Mau

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)