Từ tháng 7/2016 đến nay, Sở GTVT TPHCM đã hoàn thiện và vận hành thường xuyên bốn trạm cân tự động không dừng xe. Bốn trạm cân này được đặt tại hai cầu Giồng Ông Tố 2, Kỳ Hà 1 (cho chiều xe hướng xuống cảng Cát Lái) và khu vực cầu Ông Lớn (cho cả hai chiều xe đi về trên đường Nguyễn Văn Linh).
Lách xe qua làn đường không có cân
Một cán bộ Thanh tra Sở GTVT cho hay ở cầu Giồng Ông Tố 2 và cầu Kỳ Hà 1 chỉ có một chiều đường xuống cảng là có cân, vì đến nay cảng Cát Lái đã thực hiện đúng cam kết không cho xe quá tải ra khỏi cổng cảng. Nhưng có một thực tế là nhiều xe container chở đúng tải khi ra khỏi cảng liền tấp vào các bãi xe dọc theo đường Võ Chí Công (tên cũ là đường Vành đai 2, Vành đai Đông) thuộc quận 9 hoặc dọc đường Nguyễn Thị Định, Mai Chí Thọ thuộc quận 2 để dồn tải xong rồi mới lưu thông trở lại đường Đồng Văn Cống, xa lộ Hà Nội.
Theo quy trình, xe tải đi qua cân sơ cấp có gắn camera phía trên sẽ được nhận diện, đọc biển số, tải trọng sơ bộ... Sau đó các thông số về tải trọng, biển số, hình ảnh của xe sẽ được báo về cabin của trạm cân. Các xe quá tải khi qua cân sơ cấp thì trên màn hình sẽ xuất hiện vạch đỏ và tiếng kêu bíp. Khi đó lực lượng CSGT hoặc Thanh tra giao thông (TTGT) sẽ yêu cầu tài xế phải đưa xe vào cân thứ cấp để kiểm tra chính thức tải trọng.
Thế nhưng quy trình trên đã bị giới tài xế nắm rõ và tìm được cách lách. Cụ thể, trên đường Nguyễn Văn Linh theo hướng từ quận 7 đi Bình Chánh có ba làn đường. Hai làn dành cho xe tải ở giữa có lắp cân sơ cấp tự động, làn ngoài cùng dành cho ô tô con lại không lắp cân nên nhiều xe chở quá tải khi qua đây cố tình đánh lái đi sang làn dành cho ô tô con. “Với các trường hợp này, CSGT, TTGT chỉ có thể xử phạt tài xế về hành vi chạy sai làn đường quy định. Còn vì xe đã lách qua làn không có cân sơ cấp nên các thông số về biển số, hình ảnh xe, tải trọng không kết nối, truyền về cabin nên không thể xác định được chiếc xe đó có chở quá tải hay không để ra lệnh đưa nó vào cân thứ cấp” - ông Lâm Trường Sơn, Đội trưởng Đội TTGT số 4, cho biết.
Chưa hết, cũng trên đường Nguyễn Văn Linh, ở vị trí cầu Ông Lớn có hai làn xe hỗn hợp ở cả hai chiều đường nhưng không có cân sơ cấp. Lợi dụng điều đó, nhiều tài xế đã cho xe quá tải đi lấn sang hai làn hỗn hợp này.
Các loại xe tải nối đuôi nhau qua cầu Giồng Ông Tố, quận 2, TP.HCM,
nơi có đặt trạm cân xe tự động không dừng.
Lực lượng thanh tra giao thông đang xử lý một xe dồn tải trên đường Võ Chí Công, quận 9, TP.HCM.
Đủ loại chiêu trò khác
Ngoài chiêu thức chạy lấn làn, qua 10 tháng hoạt động, lực lượng chức năng tại bốn trạm cân còn phát hiện nhiều chiêu trò gian lận, chở quá tải của giới chủ, lái xe. Cách thức phổ biến là cho nhiều xe chạy sát đuôi nhau để che giấu biển số, góc nhìn của camera hoặc làm mờ biển số bằng bùn đất, dầu mỡ... Các hành vi này được cả cabin tại trạm cân và Trung tâm hầm Thủ Thiêm ghi nhận nhưng rất khó xử lý vì không rõ biển số xe.
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM cho hay, một chiêu trò khác là các xe quá tải thường đi thành đoàn, nối đuôi nhau qua trạm cân nên các lực lượng chức năng không thể dừng cả đoàn xe để đưa từng xe vào trạm cân thứ cấp vì như thế sẽ gây ra ùn tắc. Hoặc có nhiều tài xế khi xe bị báo có dấu hiệu quá tải thì nhất quyết không chịu vào cân thứ cấp mà dừng lại ngay trên làn đường dành cho xe lưu thông bình thường. Khi đó TTGT lo bị tắc đường nên đành phải phất tay cho đi.
Theo Sở GTVT TPHCM, sở dĩ có tình trạng xe quá tải lách qua trạm cân như nêu trên là vì từ đầu năm 2017 đến nay, ở các trạm cân thiếu sự phối hợp giữa CSGT với TTGT như trước đây và đây là nguyên nhân quan trọng nhất. “Giữa Thanh tra Sở GTVT và Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP) có kế hoạch phối hợp liên ngành kiểm tra, xử lý xe vi phạm giao thông, trong đó có phần kiểm tra, xử lý xe quá tải. Nhưng do CSGT thường xuyên bận làm các chuyên đề khác nên TTGT cũng… thua luôn vì chúng tôi không có thẩm quyền dừng xe đang lưu thông hoặc xe có dấu hiệu quá tải” - một cán bộ TTGT nói.
* Xử phạt hơn 14,7 tỉ đồng với xe quá tải
Trong bốn tháng đầu năm 2017, Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã phát hiện, xử lý 1.075 xe quá tải với số tiền xử phạt hơn 10,8 tỉ đồng. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là xe quá tải cầu, đường; xe quá khổ, quá tải thiết kế; thay đổi kích thước thùng; cá nhân, tổ chức xếp hàng hóa vượt tải quy định…
Riêng các trạm cân tự động đã kiểm tra 489 lượt xe, xử phạt 613 trường hợp với số tiền hơn 3,9 tỉ đồng.
* 907 xe qua cân sơ cấp có dấu hiệu quá tải nhưng cố tình vượt trạm, không chịu vào cân thứ cấp (số liệu tại riêng trạm cân số 3 trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, kiểm soát xe từ Bình Chánh đi về cảng Cát Lái từ ngày 1/3 đến 8/4). Một nguyên nhân khách quan khiến việc kiểm tra, xử lý xe quá tải ở các trạm cân gặp nhiều khó khăn là thời gian qua đường truyền giữa cân sơ cấp, cabin với cân thứ cấp nhiều lần bị trục trặc do yếu tố kỹ thuật hoặc do mưa, ẩm… Điều đó khiến các số liệu không được truyền kịp thời (xe qua khỏi trạm cân, màn hình, máy tính trong cabin mới báo các thông số) hoặc các thông số có sai số lớn nên rất khó xử lý tài xế.
Ông Lê Hoàng Nam, Đội trưởng Đội TTGT số 5, Sở GTVT TP.HCM