Mùa lũ năm nay ở An Giang đến sớm, dự báo đỉnh lũ cao hơn các năm trước. Ở nhiều tuyến kênh, sông trên địa bàn tỉnh An Giang, lưu lượng người, xe qua phà, đò ngang cũng đông hơn. Thế nhưng việc bảo đảm an toàn cho hành khách hầu như chưa được các chủ phương tiện quan tâm, nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn, đòi hỏi cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ các phương tiện để hạn chế thấp nhất sự cố xảy ra…
Nhiều chủ trương, biện pháp được triển khai
Để ngăn ngừa tai nạn đò ngang mùa bão lũ, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh An Giang yêu cầu các ngành và địa phương đẩy mạnh kiểm tra, chủ động phòng tránh tai nạn đường thủy, nhất là các bến đò, bến phà trên địa bàn. Ông Lê Việt Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: “Ngay từ đầu mùa mưa lũ, tỉnh đã cấp hàng ngàn phương tiện cứu sinh cho các xã trọng điểm; thống kê toàn bộ phương tiện đò ngang để quản lý; thành lập các đoàn kiểm tra tại những bến khách và tổ chức tập huấn kỹ năng cứu hộ, cứu nạn cho chủ phương tiện. Trong tháng 8 và tháng 9, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Thanh tra giao thông kiểm tra toàn bộ các bến đò, bến khách, đình chỉ vận chuyển nếu phương tiện không bảo đảm kỹ thuật, an toàn và tài công không có chứng chỉ chuyên môn; không cho đò xuất bến khi hành khách không mặc áo phao đầy đủ hoặc không dùng dụng cụ nổi cứu sinh”…
Đò ngang chở khách tại bến Long An không được trang bị phương tiện an toàn khi qua sông.
Trước đó, Tỉnh đoàn An Giang đã phát động phong trào xây dựng “Bến đò ngang văn hóa, an toàn”, thành lập các tổ thanh niên tự quản, xung kích tình nguyện phục vụ tại các bến đò để tuyên truyền cho hành khách mang mặc áo phao, giữ gìn trật tự khi lên, xuống đò. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy cũng tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát lưu động trên các tuyến kênh, sông; yêu cầu phương tiện đò ngang giảm tải trọng 10% trong mùa lũ; đồng thời thông báo cho các loại tàu, xuồng, ca nô, vỏ lãi… giảm tốc độ khi đi qua khu vực có bến đò. Theo Đại tá Lâm Minh Hồng, Phó giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua, các đơn vị công an tỉnh còn thành lập nhiều chốt cứu hộ, cứu nạn ở bến đò và những tuyến sông có nguy cơ mất an toàn cao, dòng chảy mạnh để kịp thời xử lý khi sự cố xảy ra.
Cùng với việc quản lý, chấn chỉnh sai phạm, Sở Giao thông vận tải An Giang cũng chỉ đạo tu sửa, nâng cấp chất lượng phà, đò và đường lên, xuống bến; bổ sung nội quy, kiểm tra kỹ năng xử lý tình huống của tài công trong trường hợp nước lũ dâng nhanh và bị đâm va với phương tiện khác.
Nhưng nguy cơ mất an toàn vẫn tiềm ẩn
Tuy đã rất chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn việc vận chuyển hành khách tại các bến đò nói chung, đò ngang nói riêng, nhưng trên thực tế vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Theo số liệu thống kê, tỉnh An Giang có 134 bến đò ngang sông và 11 bến phà hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều bến đò chưa bảo đảm an toàn cho khách. Hồi tháng 6-2017, một vụ tai nạn xảy ra tại bến đò Thuận Giang (xã Kiến An, huyện Chợ Mới) làm 1 người chết và 2 người may mắn được cứu sống. Nhiều bến đò khác dù chưa xảy ra tai nạn nhưng ẩn họa luôn rình rập.
Có mặt tại bến đò Phú Hội (xã Phú Hội, huyện An Phú) vào ngày đầu tháng 9, chúng tôi chứng kiến mực nước trên sông Phú Hội cao hơn mức bình thường làm cho dòng sông rộng hơn. Chừng vài ba phút lại có một chiếc bo bo, vỏ lãi lao vun vút, trong khi những chuyến đò ngang vẫn tròng trành đưa khách sang sông. Điều đáng nói, tất cả hành khách đi đò đều không được trang bị áo phao; trên đò không có phao cứu sinh đề phòng tai nạn. Khi được hỏi về việc chấp hành quy định bảo đảm an toàn trên các phương tiện vận tải ngang sông (theo Thông tư số 15 của Bộ Giao thông vận tải), tài công ở đây lắc đầu, nói: “Chúng tôi không biết thông tư này. Trước đây, đò có trang bị áo phao cho khách nhưng chẳng ai sử dụng nên thôi”.
Xã Phú Hội hiện có 4 bến đò ngang hoạt động thường xuyên. Các chuyến đò qua lại hằng ngày đều không trang bị phao cứu hộ trong khi nước sông mùa lũ lên xuống bất chợt, thất thường; có trường hợp tài công chưa có chứng chỉ hành nghề… Theo ông Nguyễn Trang Nhã, Trưởng công an xã Phú Hội, lực lượng chức năng đã nhắc nhở chủ phương tiện nhiều lần nhưng do ý thức chủ quan nên chưa bến đò nào thực hiện nghiêm túc quy định an toàn khi vận chuyển hành khách.
Bến đò Long An (xã Long An, thị xã Tân Châu) nối liền giao thông giữa hai xã Long An với Tân An trên kênh Xáng, có lưu lượng khách lên tới hàng nghìn lượt người mỗi ngày. Vào mùa mưa lũ, tại đây có 4 phương tiện vận chuyển đò ngang. Theo quan sát của chúng tôi, trên đò cũng không hề trang bị phao cứu sinh, áo phao hay dụng cụ nổi nào khác. Mặc dù khoảng cách giữa hai bên bờ kênh không quá rộng nhưng sự nguy hiểm luôn rình rập, bởi kênh Xáng khá sâu, lại có nhiều phương tiện tàu bè lưu thông với tốc độ cao. Vào cao điểm mùa lũ, học sinh các trường trên địa bàn xã Tân An, Vĩnh Hòa, Long An phải đi đò qua gò nổi, đi ghe tới lớp. Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Tân An, cho rằng: “Việc bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua đò ngang mùa nước nổi là vấn đề quan trọng luôn được chính quyền các cấp quan tâm. Tuy nhiên, bà con vẫn rất chủ quan, chưa tự giác phòng ngừa tai nạn khi qua đò sang sông”.
Ngoài ra, những bến đò khác như: Cây Dương, Rạch Gộc (huyện Châu Phú); Thuận Giang, Chợ Thủ (huyện Chợ Mới)… cũng là những nơi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho hành khách.
Từ thực tế nêu trên, chúng tôi cho rằng: Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp, các ngành, lực lượng chức năng ở địa phương cần có những biện pháp xử lý kiên quyết các chủ phương tiện không chấp hành quy định về bảo đảm an toàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định: “Với mục tiêu kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí, lãnh đạo tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng siết chặt việc quản lý phương tiện giao thông đường thủy, kết hợp nâng cao chất lượng hoạt động của phà, đò nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân trong điều kiện mưa lũ diễn biến phức tạp, khó lường”.