Những năm gần đây, phương tiện tham gia giao thông, trong đó đặc biệt là xe tải trọng lớn, gia tăng một cách nhanh chóng – là một trong những nguyên nhân làm xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng các bộ phận kết cấu cầu đường, làm giảm tuổi thọ các công trình đường bộ, gây mất trật tự, an toàn giao thông, khiến cho dư luận nhân dân bức xúc. Tình trạng xe quá khổ, quá tải diễn ra trên khắp các tuyến đường trong cả nước, từ quốc lộ, đến tỉnh lộ, cũng như các tuyến liên huyện, liên xã.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đã dần đi vào nề nếp, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng và giảm tai nạn giao thông, tạo lập môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, chống tiêu cực, nhũng nhiễu; số lượng phương tiện vi phạm quy định về tải trọng đã giảm so với trước đây.
Biểu đồ thống kê số tiền nộp ngân sách Nhà nước / số vụ vi phạm về tải trọng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai qua các năm (Nguồn: Thanh tra Sở GTVT Đồng Nai)
Năm |
2016 |
2017 |
10 tháng đầu 2018 |
Nộp NSNN (triệu đồng) |
9.597 |
16.901 |
11.918 |
Số vụ vi phạm quá tải |
2.268 |
3.182 |
1.898 |
Bảng thống kê số tiền nộp ngân sách Nhà nước / số vụ vi phạm về tải trọng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
qua các năm (Nguồn: Thanh tra Sở GTVT Đồng Nai)
10 tháng đầu năm 2018, tổng số vụ vi phạm quá tải đã được TTGT Đồng Nai xử lý là 1.898 vụ, so với 10 tháng cùng kỳ năm 2017 (2.940 vụ), số vụ vi phạm về quá tải đã giảm 35.44%.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm tải trọng vẫn còn phức tạp; một số nơi còn buông lỏng kiểm soát để phương tiện chở quá tải trọng vẫn lưu thông trên đường bộ, tránh các trạm kiểm tra tải trọng trên quốc lộ, chạy vào các tuyến đường địa phương, ảnh hưởng đến kết cấu cầu, đường, gây mất trật tự, an toàn giao thông, khiến dư luận nhân dân vẫn còn băn khoăn, trăn trở về tính nghiêm minh của luật pháp.
KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN TỪ NGUỒN TẠI ĐỒNG NAI
Nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, tiến tới việc không còn phương tiện vận chuyển hàng quá tải trọng cho phép, đặc biệt đối với các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng khai thác từ các mỏ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Ban An toàn Giao thông tỉnh cùng các cơ quan có liên quan thực hiện xây dựng hệ thống truyền dẫn dữ liệu và quản lý tải trọng phương tiện vận chuyển tại các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, đã có 27 mỏ vật liệu xây dựng với 31 trạm cân tự động đã hoàn thành việc lắp đặt và kết nối hệ thống camera giám sát tải trọng phương tiện. Theo đó, tại các mỏ đã được lắp đặt camera và cân tự động, khi phương tiện và bốc xếp hàng hóa, dữ liệu về hình ảnh cũng như tải trọng của phương tiện sẽ được ghi nhận và truyền về máy chủ và các Trung tâm giám sát (thuộc Ban ATGT tỉnh, Thanh tra Sở GTVT, và Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai).
Trong trường hợp xe vi phạm tải trọng khi qua cân, hệ thống sẽ gửi cảnh báo đến các đơn vị liên quan, và lực lượng Thanh tra Giao thông / Cảnh sát Giao thông căn cứ thông tin ghi nhận sẽ tiến hành xử lý theo quy định.
Quy trình hoạt động Hệ thống truyền dẫn dữ liệu và quản lý tải trọng phương tiện vận chuyển
tại các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Từ thời điểm hệ thống giám sát này triển khai và đi vào hoạt động, tình trạng phương tiện vận chuyển hàng quá tải trọng cho phép tại các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực một cách rõ rệt.
Cân tải trọng phương tiện bốc xếp hàng tại mỏ Thiện Tân 5
(huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Tính đến tháng 10/2018, Thanh tra Sở GTVT Đồng Nai đã lập biên bản vi phạm hành chính ra ra quyết định xử phạt đối với hành vi xếp hàng lên ô tô vượt quá tải trọng cho phép của các mỏ vật liệu xây dựng là 81 trường hợp, nộp ngân sách Nhà nước 240 triệu đồng.
Giám sát tải trọng phương tiện bốc xếp hàng tại các mỏ vật liệu xây dựng
của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Đồng Nai.
MỘT SỐ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Với mục tiêu tăng cường kiểm soát một cách có hiệu quả đối với phương tiện chở hàng quá tải trọng cho phép, nhằm giúp hoàn thiện hơn pháp luật về giao thông, cũng như tạo thuận lợi cho người thực thi công vụ và các bên tham gia giao thông; bên cạnh những thuận lợi đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Hệ thống giám sát tải trọng phương tiện vận tải tại mỏ, chẳng hạn như:
- Một số dữ liệu về thông tin của phương tiện (tải trọng cho phép chuyên chở) trên hệ thống chưa đúng với thực tế nên kết quả cảnh báo vi phạm tải trọng không chính xác. Nên chăng cần sự phối hợp hơn nữa từ Cục Đăng kiểm Việt Nam trong việc cung cấp dữ liệu phương tiện được cập nhật một cách thường xuyên cho Ban ATGT tỉnh Đồng Nai nhằm cập nhật dữ liệu cho hệ thống một cách kịp thời.
- Một số doanh nghiệp không hợp tác trong việc kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định. Việc này đòi hỏi các cấp có thẩm quyền cần có biện pháp xử lý phù hợp với những đơn vị không hợp tác, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động vận tải.
Đồng Nai là tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy tương đối rộng. Do đó công tác kiểm soát, xử lý phương tiện vận tải chở quá tải trọng cho phép cần phải được đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa.
Từ những kết quả khả quan của hệ thống, đó là cơ sở để có thể nghiên cứu, triển khai, nhân rộng mô hình ra các bến bãi, cảng thủy nội địa trên địa bàn. Tuy nhiên để công tác kiểm soát tải trọng thực sự có hiệu quả, có chiều sâu, ngoài sự nỗ lực của các lực lượng chức năng như Thanh tra Giao thông, Cảnh sát Giao thông; cần phải có thêm sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan địa phương trong việc quản lý tại nguồn, cũng như các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, đặc biệt pháp luật về vận tải – giao thông./.
Lê Minh