Thời gian qua, lực lượng thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải Điện Biên) đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và bảo vệ hành lang, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác xử lý các hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông gặp khó khăn.
Lực lượng thanh tra Sở Giao thông vận tải lập biên bản trường hợp
vi phạm hành lang ATGT trên địa bàn xã Nà Nhạn (TP. Ðiện Biên Phủ).
Ðể góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thời gian qua, lực lượng thanh tra Sở Giao thông vận tải Điện Biên đã quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông vận tải đến người tham gia giao thông. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, chủ bến xe khách thực hiện nghiêm các điều kiện bắt buộc; thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý chuyên ngành, đặc biệt là công tác kiểm tra tải trọng xe, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; đồng thời, tăng cường phối hợp cơ quan liên ngành với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc phối hợp tuyên truyền, lực lượng thanh tra gắn công tác kiểm tra với xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông; trong đó, tập trung xử lý các hành vi vi phạm, như: Chở quá tải, quá khổ, quá số người quy định; phương tiện hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe tương ứng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Ðồng thời, thường xuyên rà soát thực trạng hệ thống cầu đường, cọc tiêu, biển báo hiệu, hành lang an toàn giao thông, vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông, tổ chức giao thông chưa hợp lý... để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền tiến hành duy tu sửa chữa kịp thời nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Năm 2019, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Điện Biên đã phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tổ chức các cuộc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô tuyến cố định; kiểm tra, xử lý vi phạm xe chở hàng vượt quá khổ, quá tải trọng, tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe… Qua kiểm tra, lực lượng thanh tra đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với 85 trường hợp; trong đó, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 81 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước gần 418 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn đối với 15 trường hợp, tước quyền sử dụng phù hiệu xe chạy tuyến cố định có thời hạn 3 trường hợp. Từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý, Thanh tra giao thông đã tiến hành kiểm tra 45 lượt phương tiện xuất bến, lập và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 11 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 trường hợp. Các lỗi vi phạm chủ yếu liên quan đến hành lang an toàn giao thông đường bộ, điều khiển xe ô tô chở khách không có phù hiệu theo quy định, vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải… Nhờ thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nên ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân khi tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt, trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, trật tự hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh từ đó được chấn chỉnh kịp thời, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm hành chính còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ông Bùi Quang Vương, Ðội trưởng Ðội Hành chính - Tổng hợp (Thanh tra Sở Giao thông vận tải Điện Biên), để đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cần làm rõ một số nội dung sau: Việc xác định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi chở quá người. Cụ thể, tại Khoản 2, 4, Ðiều 23 và Khoản 3, 6, Ðiều 30 Nghị định 100/2019/NÐ-CP quy định về mức xử phạt trên mỗi người chở quá quy định và khung phạt tối đa. Như vậy trong các khoản trên, có 2 khung phạt bằng tiền, tổng số tiền phạt không cố định vì phụ thuộc vào số lượng người thực tế chở quá, do đó gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Vì vậy, cần phải xác định thẩm quyền xử phạt của các hành vi trên căn cứ vào số tiền lớn nhất của khung phạt tiền đối với mỗi người chở quá quy định (từ 400 - 600 nghìn đồng, 1 triệu - 2 triệu đồng) hay số tiền tối đa được phạt (không quá 40 triệu đồng đối với cá nhân, 80 triệu đồng đối với tổ chức).
Bên cạnh đó, cần làm rõ thủ tục cưỡng chế vi phạm xây dựng công trình trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Cụ thể, về cưỡng chế vi phạm hành chính, đối với đặc thù là người dân tộc, người nghèo, không có lương, tài khoản tại các tổ chức tín dụng, do đó chỉ có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá. Trong trường hợp xác minh thông tin về tài sản của người bị cưỡng chế mà đối tượng không có tổng tài sản có giá trị tương ứng số tiền xử phạt thì xử lý thế nào? Về cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, theo quy định Chánh Thanh tra Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi xảy ra vi phạm đều có thẩm quyền cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng với trường hợp cưỡng chế việc tháo dỡ công trình trái phép thì Chánh Thanh tra tổ chức cưỡng chế hay chuyển hồ sơ để địa phương cưỡng chế? Trường hợp, người vi phạm không có khả năng chi trả chi phí cưỡng chế, tài sản không có giá trị thì chi phí cưỡng chế thực hiện thế nào?