UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch Năm An toàn giao thông 2021, với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.
Một vụ tai nạn giao thông (Ảnh minh họa)
Tỉnh Phú Yên phấn đấu kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông, giảm ít nhất 5% số người chết so với năm 2020; không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và ùn tắc giao thông.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh và Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố bổ sung các mục tiêu an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp tỉnh, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn, nhất là các dự án khu đô thị, chung cư cao tầng. Đồng thời nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.
Thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Yên cho thấy, trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 993 vụ tai nạn giao thông, làm chết 531 người, bị thương 839 người. So với giai đoạn 2011-2015, tai nạn giao thông giảm cả ba mặt (giảm 1.051 vụ, 183 người chết, 1.437 người bị thương). Để có được kết quả này, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hiện tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp.
Để kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông, trong thời gian tới cần huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ban ngành chức năng và chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo các nhiệm vụ, biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đối với từng địa bàn, lĩnh vực quản lý. Các đơn vị, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng… Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông.
Ngoài ra, một giải pháp cũng không kém phần quan trọng nữa đó là lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh.
Có nhiều lý do dẫn đến tai nạn giao thông, như lượng người và phương tiện giao thông tăng cao, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ… Tuy nhiên, nguyên nhân chính xuất phát từ ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người điều khiển phương tiện giao thông còn kém. Gần 80% số vụ tai nạn giao thông tại Phú Yên là do người điều khiển phương tiện, hoặc tham gia giao thông sử dụng rượu, bia gây ra, tập trung vào nhóm đối tượng trưởng thành, lao động chính. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, địa phương, người tham gia giao thông phải chủ động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa giao thông. Một khi cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc thì tai nạn giao thông mới hy vọng được kéo giảm.