Chánh Thanh tra Bộ chỉ đạo tập trung thanh tra chấp hành tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị giám sát hành trình
Thứ hai, 22/09/2014 14:33
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI THANH TRA BỘ Số: 597 /TTr – P3 V/v hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra về thiết bị giám sát hành trình CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2013 Kính gửi: Thanh tra các Sở Giao thông vận tải. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tại văn bản số 5863/BGTVT-TTr ngày 20 tháng 6 năm 2013 về chấn chỉnh công tác thanh tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, trong đó có yêu cầu các Sở GTVT tiến hành thanh tra việc chấp hành việc cung cấp, lắp đặt và khai thác thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô (TBGSHT) theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 31: 2011/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô. Ngày 21 và ngày 28/6/2013, Thanh tra Bộ đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Thanh tra các Sở GTVT để triển khai trên toàn quốc về nội dung kỹ thuật nghiệp vụ liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Đến nay đã thu được kết quả bước đầu rất quan trọng, góp phần chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh những tồn tại, vướng mắc. Căn cứ Luật Thanh tra và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ hướng dẫn một số điểm khi tiến hành thanh tra việc chấp hành quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô như sau: 1. Nguyên tắc chung: - Chánh Thanh tra các Sở GTVT tiếp tục bố trí lực lượng, phương tiện tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc lắp đặt, khai thác, sử dụng TBGSHT theo chỉ đạo của Bộ trưởng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhằm góp phần tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động vận tải bằng xe ô tô và kéo giảm tai nạn giao thông. - Trong quá trình thanh tra, nếu có sự can thiệp người thực thi công vụ, làm sai lệch kết quả thanh tra, đề nghị Thanh tra các Sở GTVT báo cáo ngay về Chánh Thanh tra Bộ để kịp thời xử lý. 2. Trách nhiệm thanh tra và thủ tục quyết định thanh tra. - Giám đốc các Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra các Sở GTVT thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành. - Chánh Thanh tra Sở quyết định thành lập Đoàn Thanh tra hoặc phân công Thanh tra viên tiến hành thanh tra chuyên ngành độc lập về việc chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến TBGSHT. Trường hợp Chánh Thanh tra Sở quyết định phân công Thanh tra viên để tiến hành thanh tra độc lập, Chánh Thanh tra cần bố trí cán bộ giám sát và các cán bộ phối hợp với Thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ (bảo đảm yêu cầu làm việc với đơn vị, cá nhân phải có ít nhất 03 cán bộ). - Khi tiến hành thanh tra, Chánh Thanh tra được mời chuyên gia kỹ thuật có chuyên môn phù hợp để hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra. - Đoàn thanh tra, Thanh tra viên tiến hành thanh tra độc lập có nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 53 và Điều 54 Luật Thanh tra. 3. Một số tình huống và biện pháp xử lý khi tiến hành thanh tra về chấp hành quy định theo quy chuẩn QCVN 31: 2011/BGTVT : a) Thanh tra Sở phải tập trung tiến hành thanh tra tại tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải (KDVT). Khi tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên có quyền: - Yêu cầu đối tượng thanh tra xuất trình giấy phép, đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra. - Yêu cầu báo cáo danh sách phương tiện vận tải (Biển kiểm soát, năm sản xuất, số chỗ ngồi, ngày đưa vào khai thác, ngày cấp phù hiệu, tuyến khai thác, Biên bản nghiệm thu việc lắp đặt TBGSHT và các tài liệu hợp chuẩn kèm theo...), hồ sơ phương tiện vận tải (bản sao), tình trạng hoạt động của phương tiện vận tải, tình trạng lắp đặt và hoạt động của TBGSHT; - Yêu cầu tổ chức, cá nhân KDVT truy cập hệ thống mạng internet để xem hiển thị thông tin TBGSHT đang hoạt động và mở máy tính để kiểm tra dữ liệu được lưu trữ tối thiểu (tại đơn vị, cá nhân KDVT hoặc đơn vị thuê lưu dữ liệu) trong quá trình khai thác, vận hành của xe. Khi thanh tra, kiểm tra tại đơn vị, cá nhân KDVT, Đoàn Thanh tra hoặc Thanh tra viên xử lý như sau: + Hệ thống hoạt động bình thường, các TBGSHT hoạt động ghi, lưu trữ và truyền phát theo quy chuẩn 31:2011/BGTVT, tiến hành lập biên bản thanh tra, ghi nhận kết quả và báo cáo theo quy định. + Trường hợp phát hiện các thông số vi phạm theo khoản 10 Điều 1 Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tiến hành lập biên bản thanh tra, báo cáo Chánh Thanh tra trình Giám đốc Sở GTVT quyết định thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép theo quy định. + Phương tiện không lắp TBGSHT, TBGSHT của phương tiện không hoạt động hoặc không truyền dẫn đầy đủ 06 thông tin theo Quy chuẩn, tiến hành lập biên bản thanh tra, ghi nhận đúng thực trạng (Hoạt động của hệ thống, số phương tiện có TBGSHT, số phương tiện không có TBGSHT, TBGSHT của phương tiện không đạt quy chuẩn...). Trường hợp Đoàn Thanh tra, Thanh tra viên và đối tượng thanh tra không thống nhất được về tình trạng vi phạm quy chuẩn, Đoàn Thanh tra hoặc Thanh tra viên tiến hành kiểm tra thực tế tại phương tiện để xác định rõ tình trạng hoạt động của TBGSHT, lập biên bản thanh tra, ghi nhận thực trạng TBGSHT. Căn cứ biên bản thanh tra và biên bản khắc phục sự cố thiết bị (nếu có), trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, Thanh tra Sở trình Giám đốc Sở quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện theo quy định. - Thanh tra các Sở GTVT trên phạm vi toàn quốc có trách nhiệm phối hợp với nhau để xác định phương tiện vi phạm về chấp hành quy chuẩn quy chuẩn QCVN 31: 2011/BGTVT theo quy định hiện hành. b) Trường hợp Thanh tra Sở GTVT tiến hành thanh tra trực tiếp ngoài hiện trường, Trưởng Đoàn Thanh tra hoặc Thanh tra viên xử lý như sau: - Lập biên bản vi phạm hành chính, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định xử phạt theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP, khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây: + Phương tiện không lắp thiết bị giám sát hành trình hoặc lắp thiết bị không hợp hợp quy (không có dấu hợp quy theo quy định); + TBGSHT không có dấu hợp quy theo quy định hoặc kiểu loại thiết bị thiết bị không đúng kiểu loại đăng ký với cơ quan có thẩm quyền (tham khảo hình ảnh và thông tin về kiểu loại sản phẩm hợp quy trên Website Bộ GTVT từ ngày 13/7/2013: http://www.mt.gov.vn); + Không hiển thị được trạng thái hoạt động của thiết bị (bằng đèn trạng thái hoặc màn hình); + Không có cổng kết nối RS 232 (DB9 - male) hoặc lái xe không xác định cho người kiểm tra được cổng kết nối. - Về việc sử dụng máy in để trích xuất dữ liệu của TBGSHT: + Đối với trường hợp đã xác định hành vi vi phạm hành chính bằng thiết bị in đã lập biên bản vi phạm hành chính hoặc đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các đối tượng phải chấp hành theo quy định. + Trong khi chờ Bộ GTVT hoàn thiện quy chuẩn và quy trình thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính, từ ngày có hướng dẫn này, việc in thông tin từ TBGSHT được thực hiện chỉ để xác định tình trạng TBGSHT hoạt động sau khi kiểm tra trên hệ thống internet tại đơn vị, cá nhân KDVT. Chánh Thanh tra Bộ yêu cầu Chánh Thanh tra các Sở GTVT nghiên cứu, khẩn trương tổ chức thực hiện. Trường hợp có vướng mắc, đề nghị có văn bản gửi về Phòng Thanh tra 3 để được kịp thời hướng dẫn./. Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng (để b/c); - Ủy ban ATGT Quốc gia (để b/c); - Bộ Công an; - TT. Nguyễn Ngọc Đông (để b/c); - Tổng cục ĐBVN; - Vụ: PC, VT, ATGT; - Báo GTVT, Website BGTVT; - Lưu TTr, P3. CHÁNH THANH TRA (Đã ký) Nguyễn Văn Huyện