Trình tự, thủ tục và các tình huống xử lý, đặc biệt đối với lực lượng thanh tra ngành giao thông vận tải trực tiếp thực thi công vụ

Thứ hai, 01/08/2016 09:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt vừa được Chính phủ ban hành, theo Nghị định này có rất nhiều điểm mới, được đông đảo độc giả quan tâm. Tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra vừa qua cũng có nhiều ý kiến thắc mắc, hỏi về trình tự, thủ tục và các tình huống xử lý, đặc biệt đối với lực lượng thanh tra ngành giao thông vận tải trực tiếp thực thi công vụ. Để làm rõ vấn đề này, Ban biên tập Website Thanh tra có bài phỏng vấn đối với ông Lê Thanh Hà - Chánh Thanh tra Bộ GTVT.

PV: Xin ông cho biết kết quả khái quát cuộc tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải được tổ chức vừa qua.

Ông Lê Thanh Hà: Nhận thấy công tác tập huấn nghiệp vụ là việc làm rất quan trọng nên chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải từ rất sớm. Qua quản lý, theo dõi, chúng tôi đã chọn 3 chuyên đề để đi sâu tập huấn, gồm: trình tự, thủ tục, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ; phương pháp xác định tải trọng, khổ giới hạn đường bộ, xe quá khổ, quá tải, giới hạn xếp hàng hoá trên phương tiện; phương pháp, kinh nghiệm thanh tra, xử lý vi phạm tại đầu mối xếp hàng. Đúng như dự kiến, đã có 350 cán bộ, công chức thanh tra đến từ 63 tỉnh, thành phố và Tổng cục, Cục và các Chi cục quản lý đường bộ đã có mặt đông đủ để tham gia tập huấn. Tại buổi tập huấn các báo cáo viên đã trình bày, trao đổi, tương tác với người tham gia tập huấn, trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong khi thi hành công vụ nhằm trang bị cho lực lượng để triển khai thực hiện tốt Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ . Nhìn chung, cuộc tập huấn đạt kết quả rất tốt đẹp.

PV: Mặc dù đã được các báo cáo viên giải thích, song vẫn còn những vấn đề mong ông giải thích thêm để phục vụ độc giả. Hiện nay, thực tế vẫn còn hiện tượng Phòng Công thương cấp huyện có cấp giấy phép lưu hành đặc biệt cho xe ô tô đi trên đường huyện quản lý. Việc cấp phép của Phòng Công thương là có đúng quy định không. Khi gặp trường hợp này, Thanh tra Sở GTVT có quyền xử phạt đối với phương tiện không?

Ông Lê Thanh Hà: Việc cấp phép của Phòng Công thương là không đúng quy định. Theo quy định của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thẩm quyền cấp Giấy phép lưu hành xe là Giám đốc Sở GTVT, Cục trưởng Cục QLĐB. Như vậy, Giấy phép lưu hành xe do Phòng Công thương cấp là trái pháp luật và Giấy phép lưu hành đó không có giá trị.
Trường hợp này, Thanh tra GTVT tiến hành kiểm tra và xử phạt các vi phạm theo quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 28, Điều 30 và Điều 33 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP; đồng thời có văn bản gửi UBND huyện (nơi Phòng Công thương cấp Giấy phép lưu hành) thông báo về việc cấp Giấy phép trái quy định của Phòng Công thương và đề nghị xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm.

PV: Khi gặp trường hợp xe rơ moóc nước ngoài tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam (có giấy phép thông hành cho phép) mà tổng số trục là 14, trong khi đó cân lưu động và cân xách tay hiện nay chỉ cài đặt có 06 trục thì xử lý thế nào?

Ông Lê Thanh Hà: Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, tất cả tổ chức, cá nhân (kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài) có hành vi vi phạm hành chính trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác (đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài).
Về việc xử phạt xe có tổng số trục 14, Các trạm KTTTX lưu động, cố định và cân xách tay đều cân được xe có nhiều trục (lớn hơn 6), trường hợp này cân từng trục rồi cộng lại và căn cứ vào quy định tại Điều 16 và Điều 17 Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT để xác định xe có vi phạm vượt quá tải trọng hay không. Căn cứ xác định tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe theo tải trọng đường bộ như sau:
Tổ hợp xe đầu kéo, sơ mi rơ moóc có tổng số trục bằng 6 hoặc lớn hơn: Khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe, tối đa là 48 tấn theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 17 Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT;
Tổ hợp xe thân liền kéo rơ moóc: Khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe, tối đa là 45 tấn theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 của Thông tư 46/2015;
Trường hợp rơ moóc tải có nhiều trục và các trục là trục đơn chở hàng siêu trường, siêu trọng thì phải có Giấy phép lưu hành xe do Sở GTVT hoặc Cục QLĐB cấp, khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của tổ hợp xe ghi trong Giấy phép lưu hành xe.

Ông Lê Thanh Hà – Chánh Thanh tra Bộ GTVT

PV: Trường hợp ô tô tải lắp thùng xe có kích thước không đúng thiết kế. Ngoài phạt tiền theo quy định, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định. Việc tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định có phải thông báo cho cơ quan đăng kiểm không (để tránh trường hợp lái xe thông báo mất để xin cấp lại)?

Ông Lê Thanh Hà: Theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, một số hành vi vi phạm (như hành vi tự ý cải tạo hình dáng, kích thước của thùng xe), ngoài hình thức phạt tiền, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định ATKT&BVMT và Tem kiểm định của phương tiện từ 01 đến 03 tháng.
Hiện nay chưa có quy định sau khi tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định, người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng kiểm biết. Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ, sau khi tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định, Thanh tra GTVT thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng kiểm biết. Việc làm này sẽ giúp cho các đơn vị đăng kiểm lưu ý trong quá trình kiểm định lần tiếp theo.

PV: Khi phát hiện vi phạm chở hàng quá tải trọng, lực lượng chức năng lập biên bản VPHC đối với tài xế, chủ phương tiện và người bốc xếp hàng. Nếu xe xuất phát từ cảng, bến thì lực lượng chức năng có lập biên bản đối với chủ cảng, bến theo Khoản 9 Điều 23 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường thuỷ nội địa không?

Ông Lê Thanh Hà: Khi phát hiện xe xuất phát từ cảng, bến chở hàng quá tải trọng, Thanh tra  GTVT tiến hành:
Nếu có hành vi vi phạm, cơ quan thanh tra chuyên ngành lập biên bản, xử phạt VPHC đối với lái xe, chủ xe, người xếp hàng theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, đồng thời thực hiện:
Lập biên bản vi phạm "Để ô tô chở hàng hoá từ cảng, bến vượt quá tải trọng cho phép ra khỏi cảng, bến" và chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm cho Cảng vụ Đường thuỷ nội địa để xử phạt VPHC đối với chủ cảng, bến hoặc chủ khai thác cảng, bến theo quy định tại Khoản 9 Điều 23 và Điều 38 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP;
Hình thức chuyển hồ sơ và việc tiếp nhận hồ sơ vụ việc vi phạm để xử phạt VPHC được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT.

PV: Theo Điều 28 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải. Vậy, chủ cảng bến, doanh nghiệp... là đầu mối bốc xếp hàng hoá có vi phạm về xếp hàng lên xe ô tô vượt quá trọng tải cho phép, nhưng không có đăng ký kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, thì có áp dụng xử phạt theo Điều này được không?

Ông Lê Thanh Hà: Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân thực hiện xếp hàng lên xe ô tô vượt quá trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.  Quy định này không phụ thuộc vào tổ chức, cá nhân có vi phạm về xếp hàng lên xe ô tô có đăng ký kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải hay không. Như vậy, trường hợp này tổ chức , cá nhân vi phạm bị xử phạt bình thường.

PV: Trường hợp xử phạt vi phạm đối với nhân viên phục vụ trên xe, cần tạm giữ giấy tờ gì (Chứng minh thư nhân dân hay Chứng chỉ tập huấn) của nhân viên phục vụ trên xe để đảm bảo việc chấp hành quyết định xử phạt?

Ông Lê Thanh Hà: Để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Điều 78 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP chỉ quy định tạm giữ giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện, mà không quy định tạm giữ giấy tờ liên quan đến nhân viên phục vụ trên xe.

Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với nhân viên phục vụ trên xe, để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính để tạm giữ Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông của nhân viên phục vụ trên xe (không tạm giữ Chứng minh thư nhân dân). Ngoài ra, tuỳ theo trường hợp cụ thể, cơ quan thanh tra có thể gửi thông tin vụ việc đến Sở GTVT nơi cấp phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã để siết chặt quản lý, tiến hành thanh tra theo quy định.

PV: Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm mà lái xe và chủ phương tiện không hợp tác hoặc không chấp hành việc kiểm tra, xử lý (khoá cửa xe, đóng cửa bỏ đi...) thì người có thẩm quyền có được tháo biển kiểm soát phương tiện, bóc tem kiểm định của phương tiện không?

Ông Lê Thanh Hà: Việc chống đối là một thực tế, gây rất khó khăn cho việc thực thi công vụ, chính vì vậy, Chính phủ đã có quy định cụ thể trường hợp này. Trường hợp chủ xe, lái xe không hợp tác, có hành vi cản trở, chống đối việc thanh tra, kiểm tra của người thi hành công vụ thì cơ quan thanh tra căn cứ vào Khoản 5 Điều 11 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính về lỗi "Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra của người thi hành công vụ", mà không được tháo biển kiểm soát, bóc tem kiểm định của phương tiện.

Để ngăn chặn ngay vi phạm phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 78 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP; Để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ liên quan đến người điều khiển và phương tiện (trong đó có tem kiểm định) theo quy định tại Khoản 1 Điều 78 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Việc tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều hiển phương tiện vi phạm phải được lập thành biên bản và lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra còn sử dụng các quyền trong hoạt động thanh tra (quy định tại Chương 3 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP) để yêu cầu đối tượng thanh tra nghiêm chỉnh chấp hành hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra, quyết định thanh tra của cơ quan có thẩm quyền.
Lưu ý: Khi xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này, lực lượng Thanh tra GTVT sử dụng thiết bị kỹ thuật (máy ghi âm, máy ảnh, máy quay phim...) hoặc mời người làm chứng theo quy định để xác định hành vi vi phạm của đối tượng.

(Còn tiếp)

Ban Biên tập tiếp sẽ sớm thông tin đến độc giả cuộc phỏng vấn tiếp theo về chủ đề này.

Thực hiện: PV - BTV Minh Phương

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)