“Trong nhiều năm qua, công tác tham mưu đã giúp Bộ GTVT thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, góp phần phát huy vai trò đi trước mở đường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn cơ quan, đơn vị, cá nhân chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm tham mưu; chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của nhà nước dẫn đến xảy ra vi phạm, khuyết điểm; tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm; chất lượng công tác tham mưu còn hạn chế; vẫn còn hiện tượng đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm...”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra công tác tại hiện trường
Thực hiện Kế hoạch số 112-KH/BCSĐ ngày 21/5/2019 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT về triển khai Thông báo Kết luận số 628-TB/UBKTTW ngày 13/5/2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ GTVT đã có Văn bản số 7858/BGTVT-VP ngày 21/8/2019 gửi các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT quán triệt, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác tham mưu trong thực thi nhiệm vụ. Theo đó, Bộ trưởng đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát lại hoạt động của đơn vị; tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác tham mưu của đơn vị đối với Bộ trong thời gian vừa qua, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Nhận định đây là vấn đề hết sức cấp bách, có vị trí đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, quản lý và điều hành; giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các cơ quan, tổ chức, để tiếp tục chấn chỉnh công tác này, Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2019, trong đó nhấn mạnh các vấn đề sau:
Trong những năm qua, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo, điều hành, triển khai toàn diện các nhiệm vụ của ngành GTVT, góp phần phát huy vai trò đi trước mở đường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Ngoài ra Chỉ thị nhấn mạnh: “bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm tham mưu, đề xuất; chưa tuân thủ đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, dẫn đến vấn đề xảy ra vi phạm, khuyết điểm; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ còn chưa chặt chẽ; tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm; chất lượng công tác tham mưu còn hạn chế; vẫn còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm lên cơ quan cấp trên, thoái thác nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị khác thực hiện công việc thuộc trách nhiệm chuyên môn của mình... Vì vậy, trong thời gian qua, một số nhiệm vụ của Bộ GTVT còn có thiếu sót, một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xử lý kỷ luật. Đây là bài học sâu sắc đối với ngành GTVT nói chung và Bộ GTVT nói riêng”.
Theo chỉ thị, Bộ trưởng GTVT yêu cầu thủ trưởng các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy cùng cấp quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung sau:
Thứ nhất, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị thực hiện nghiêm các nguyên tắc, yêu cầu sau:
Quá trình tham mưu, thực thi nhiệm vụ phải tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, quy định pháp luật hiện hành và chế độ, chính sách của Nhà nước. Đề cao trách nhiệm trong công tác tham mưu, thực thi nhiệm vụ. Tuyệt đối không vụ lợi, thiên vị, xen động cơ cá nhân (cách hẩu, phe phái, bạn hữu, dòng tộc…) khi tham mưu, thực thi nhiệm vụ. Tham mưu phải có cơ sở khoa học, khách quan, trung thực; đảm bảo nguyên tắc toàn diện, tổng hợp.
Tham mưu phải đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo và điều hành công việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị, của Bộ GTVT và Chính phủ. Tham mưu phải đảm bảo tính khả thi và thiết thực (bám sát thực tế, phân tích thực trạng các hoạt động, chỉ ra các ưu, khuyết điểm...; phân tích kỹ tính khả thi, điều kiện thực hiện); đáp ứng các yêu cầu về cải cách hành chính. Bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác tham mưu phải có đủ trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ; có bản lĩnh chính trị và nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước...
Thứ hai, tổ chức triển khai các nhiệm vụ, gồm:
Rà soát, xây dựng, ban hành đầy đủ các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị phù hợp với tình hình hình thực tế, bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ yêu cầu, quy định của Đảng và pháp luật hiện hành.
Tuân thủ nghiêm túc các quy định trong Quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT và của Bộ GTVT. Trong đó, thực hiện đầy đủ phạm vi trách nhiệm và quan hệ giải quyết công việc của Thủ trưởng và phạm vi giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ.
Kịp thời phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị.
Thường xuyên rà soát quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và năng lực, tình hình thực tế của tổ chức, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất trong thực thi nhiệm vụ.
Chú trọng công tác tuyển dụng, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động; đặc biệt là bồi dưỡng các kiến thức về pháp luật, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng, tiến độ; đặc biệt là các nhiệm vụ do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ giao. Về nhiệm vụ này, Bộ trưởng đã ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020, trong đó đã xác định các nội dung trọng tâm nhằm nâng cao chức trách, nhiệm vụ được giao, đồng thời chỉ đạo các cơ quan có chức năng thanh tra triển khai lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra tránh chồng chéo, trùng lặp theo chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị cần kịp thời động viên, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh hoặc có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với những tập thể, cá nhân cố tình nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp hoặc vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước trong thực thi nhiệm vụ.
Thứ ba, về công tác tổ chức cán bộ
Giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu Bộ GTVT rà soát, sắp xếp các tổ chức tham mưu thuộc Bộ, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của các tổ chức tham mưu thuộc Bộ GTVT phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tế; tham mưu Bộ GTVT điều chỉnh các quy định về phân cấp, ủy quyền và phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của các tổ chức, cá nhân trong các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT nhằm phát huy cao nhất hiệu quả tham mưu của các tổ chức, công chức thuộc Bộ.
Thứ tư, hoàn thiện quy chế nội bộ: Giao Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu tham mưu điều chỉnh các Quy chế của Bộ GTVT, nhất là các nội dung liên quan đến quy trình giải quyết công việc tại Bộ GTVT; bảo đảm phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong toàn bộ quá trình tham mưu.
Có thể thấy, công tác tham mưu ở Bộ GTVT đang được Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Mặc dù, công tác tham mưu cần được nghiên cứu, phân tích sâu hơn trên nhiều khía cạnh đó, song đây là thông điệp rất quan trọng mà Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ GTVT muốn gửi đến các cơ quan, đơn vị trong những ngày đầu tiên của năm mới 2020.
Bài và ảnh: Trần Phong Anh