Thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra

Thứ sáu, 11/02/2022 08:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Pháp luật về thanh tra hiện nay đã quy định thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra và nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra.

1. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra:

Với thanh tra hành chính, tại khoản 2 Điều 43 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra”.

Với thanh tra chuyên ngành, tại khoản 1 Điều 51 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Chánh thanh tra bộ, chánh thanh tra sở, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, bộ trưởng, giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra.”

2. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra

Điều 48 Luật Thanh tra năm 2010 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra hành chính: “…Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra; … giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, các thành viên khác của đoàn thanh tra; đình chỉ, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra…; kết luận về nội dung thanh tra; chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm…”

Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra chuyên ngành, Điều 55 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “…Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra;…qiải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, các thành viên khác của đoàn thanh tra; đình chỉ, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra…; kết luận về nội dung thanh tra; chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm”.

Điều 5 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ đã quy định trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra: “Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo đoàn thanh tra, bảo đảm nguyên tắc của hoạt động thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu; giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của đoàn thanh tra; các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, liên quan đến hoạt động của đoàn thanh tra”.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra:

Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra hành chính, Điều 46 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “…Kiến nghị với người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra quy định tại Điều 48 của Luật Thanh tra năm 2010; báo cáo với người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó….”.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Điều 53 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “… Kiến nghị với người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra quy định tại Điều 55 của Luật Thanh tra năm 2010… Báo cáo với người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó…”.

Điều 5 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ đã quy định trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra: “Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, tiến độ thanh tra theo Quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của Người ra quyết định thanh tra; chịu trách nhiệm trước Người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn thanh tra”.

Điều 16 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ đã quy định trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra trong việc xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra: “Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra …Trưởng đoàn thanh tra trình Người ra quyết định thanh tra phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra”.

Và hàng loạt các quy định khác mà pháp luật về thanh tra đã quy định về trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra.

Tuy nhiên thực tiễn hiện nay, việc thực hiện đúng thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Người ra quyết định thanh tra, của Trưởng đoàn thanh tra đang bị hiểu sai lệch, vin vào các lý do khác nhau như: số lượng cán bộ thanh tra ít, phải tổ chức nhiều Đoàn thanh tra đan xen nhau, yêu cầu cấp thiết của công tác thanh tra, tạo thuận lợi cho đối tượng thanh tra…và từ đó không ít các trường hợp Chánh thanh tra (cấp huyện, sở) đã ký ban hành các quyết định thanh tra đồng thời là Trưởng đoàn thanh tra. Với các quyết định thanh tra như vậy có đúng quy định của pháp luật không? Chúng ta cùng trao đổi theo các nội dung:

Thứ nhất, khi Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ thì nhiệm vụ, quyền hạn của Người ra quyết định thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra dồn thành một “tích hợp”, không thể tách bạch khi nào là Người ra quyết định thanh tra, khi nào là Trưởng đoàn thanh tra, trong khi đó theo quy định của pháp luật về thanh tra đã nêu ở trên trước hết với công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Đoàn thanh tra ai sẽ thực hiện? Trưởng đoàn thanh tra vừa chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Đoàn thanh tra với vai trò Người ra quyết định thanh tra, vừa thực hiện điều hành, quản lý Đoàn thanh tra với vai trò là Trưởng đoàn. Như vậy sẽ rơi vào tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tiếp đến khi Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra và trình Người ra quyết định thanh tra phê duyệt, trong khi đó Người ra quyết định thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra là một người thì người ký lập kế hoạch, vừa ký người phê duyệt hay sao, lại rơi vào tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Còn khi kết thúc việc thanh tra trực tiếp Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện Báo cáo kết quả thanh tra gửi Người ra quyết định thanh tra, như vậy thì Trưởng đoàn thanh tra xây dựng, hoàn thiện Báo cáo kết quả thanh tra xong thì lại gửi chính mình hay sao? lại rơi vào tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nếu có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, liên quan đến Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra thì người có thẩm quyền giải quyết là ai? Không thể là người ra quyết định thanh tra được vì người đó lại chính là Trưởng Đoàn thanh tra vì đã “tích hợp”. Và còn hàng loạt các công việc nhất là  dự thảo kết luận thanh tra, thẩm định kết luận thanh tra (nếu cần), công khai kết luận thanh tra, thực hiện kết luận thanh tra…

Thứ hai, từ các quy định nêu trên cho thấy, trong quá trình thanh tra Người ra quyết định thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra là 2 chủ thể khác nhau, có nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm khác nhau, cụ thể là:

- Người ra quyết định thanh tra: chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra thực hiện các nội dung thanh tra, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra theo đề xuất của Trưởng đoàn thanh tra, xem xét và ký kết luận thanh tra…

- Trưởng đoàn thanh tra: quản lý, điều hành Đoàn thanh tra, chịu sự kiểm tra, giám sát của Người ra quyết định thanh tra, nếu có những vấn đề vượt quá quyền hạn thì báo cáo Người ra quyết định thanh tra, ký báo cáo kết quả thanh tra gửi Người ra quyết định thanh tra…

Vì vậy với bất kỳ lý do gì cũng không thể “tích hợp” Người ra quyết định thanh tra đồng thời là Trưởng đoàn thanh tra được./.

Ths. Lê Ngọc Thiều
Trưởng Khoa Nghiệp Vụ Thanh tra - Trường Cán bộ Thanh tra

Tạp chí Thanh tra

Nguồn: Tạp chí Thanh tra

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)