Bất chấp sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng quốc tế trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đã gần 02 năm qua, kể từ khi lần đầu được phát hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở gần như khắp nơi trên thế giới. Các chính trị gia, các nhà quản trị và cả giới khoa học đều không mường tượng hết sự nguy hiểm của loài virus nhỏ bé này và những biến chủng của nó.
Lúc đầu có người cho rằng nó sẽ khó tồn tại và phát triển ở những khu vực có nhiệt độ cao và mùa hè nóng ẩm. Có người còn cho rằng nó cũng giống như một loại cúm mùa thông thường. Nhưng rồi khi dịch bệnh lan rộng ra toàn thế giới dù ở bất cứ điều kiện khí hậu nào và áp lực kinh hoàng mà nó gây ra đối với cả những hệ thống y tế tốt nhất, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng, đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh đói nghèo thì tất cả mới nhìn nhận nó là đại dịch thế kỷ. Chưa hết, lúc đầu người ta cho rằng vaccine sẽ giúp loài người “thanh toán” được đại dịch như đã từng “thanh toán” bệnh đậu mùa.
Nhưng rồi tất cả phải nhìn nhận lại khi vaccine chỉ giúp chúng ta hạn chế được các ca tử vong và biến chứng nặng chứ không giúp chúng ta tránh lây nhiễm hay lây nhiễm cho người khác. Ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao thì tốc độ lây lan vẫn rất cao khi xuất hiện biến chủng delta. Ngày 23.5.2021, Tổng thống Hoa Kì, J.Biden tuyên bố nước Mỹ đã vượt qua đại dịch, mọi người tiêm đủ 02 mũi vaccine có thể bỏ khẩu trang và trở lại nhịp sống bình thường. Nhưng chỉ 01 tháng sau, nước Mỹ lại phải đối mặt với một làn sóng dịch mới. Đến cuối tháng 08. 2021, chỉ 02 tháng sau tuyên bố của Tổng thống, số ca dương tính với covid-19 ở Mỹ đã lên đến xấp xỉ 200.000 ca/ngày. Đến bây giờ thì nhiều nhà khoa học đã phải thay đổi cách nhìn về virus corona, và có thể nó sẽ thay đổi thói quen sống của tất cả mọi người.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Có thể sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới quay trở lại cuộc sống bình thường như trước khi có đại dịch, thậm chí chúng ta phải chấp nhận một cuộc sống “bình thường mới”. Điều đó có nghĩa là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tập trung đông người… sẽ là một sự bình thường mới, kể cả khi tỷ lệ tiêm chủng đã đạt trên 70% dân số. Ở các quốc gia đang phải vật lộn với làn sóng dịch thì giãn cách xã hội là giải pháp không thể không làm. Việt Nam cũng đang phải áp dụng biện pháp này ở mức nghiêm ngặt nhất. Đương nhiên, điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động của đời sống xã hội, đến hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung và các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra nói riêng.
Từ đầu tháng 05 năm 2021 đến nay, việc giãn cách xã hội đã làm đình trệ việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra ở hầu hết các bộ ngành, địa phương. Nhiều cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2021 không thể triển khai được. Nhiều cuộc thanh tra bị đình lại dở dang khi đang ở giai đoạn thanh tra trực tiếp. Ôn dịch là thứ ai cũng nhìn thấy. Thật dễ dàng lý giải cho tình trạng đình trệ đó là do nguyên nhân khách quan: Dịch bệnh.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, dịch bệnh, phong tỏa, giãn cách xã hội…càng làm cho người ta thấy vai trò của công nghệ, của xây dựng chính quyền điện tử, của số hóa nền kinh tế quan trọng đến mức nào. Ở nhiều quốc gia phát triển, người ta có thể số hóa cả nền quản trị quốc gia. Trí tuệ nhân tạo được sử dụng không chỉ ở hoạt động sản xuất, kinh doanh mà đã len lỏi vào các hoạt động kiểm soát của Nhà nước đối với nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc kiểm soát các nguồn tài nguyên, đất đai, quản lý nguồn lực lao động, dân cư được công nghệ hỗ trợ rất nhiều. Thậm chí có những nước có thể quản lý hành vi tuân thủ pháp luật của từng cá nhân trong xã hội, “chấm điểm hạnh kiểm” cho toàn bộ cư dân của đất nước. Việt Nam cũng không nằm ngoài trào lưu đó và có những bước tiến dài trong những năm qua. Thương mại điện tử, hóa đơn điện tử, ứng dụng trí tuệ vào trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa bây giờ là câu chuyện phổ biến. Những người nông dân ở Tây Nguyên, Sơn La, Bắc Giang hay Hải Dương bây giờ cũng đã tham gia thành thạo vào các sàn thương mại điện tử để bán nông sản, cà phê, hạt điều, trái cây…ra khắp thế giới. Trong hoạt động quản lý nhà nước, chúng ta chủ trương và đạt được những thành quả trong xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng các đô thị thông minh mà ở đấy công nghệ phát huy vai trò to lớn để tiết giảm chi phí quản lý, tăng hiệu quả quản lý.
Ấy vậy mà phương thức thanh tra của chúng ta về cơ bản vẫn là phương thức truyền thống. Vẫn là đoàn đội xuống cơ sở để thanh tra trực tiếp, vẫn tiếp nhận tài liệu, chứng từ thủ công, vẫn họp hành, làm việc, giải trình trực tiếp… Cách làm này Ban Thanh tra đặc biệt, Ủy ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, thời mà cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Hồ Tùng Mậu đã làm từ thập kỷ 40 của thế kỷ trước. Quả thật nhìn lại, trước những thay đổi trong đời sống xã hội mà đại dịch Covid-19 có thể tạo ra, trước những bước tiến nhanh chóng của cuộc cách mạng 4.0, nếu ngành Thanh tra không có những đổi mới để thích ứng thì hoàn toàn có thể bị bỏ lại phía sau. Không lẽ chúng ta sẽ thụ động chờ cho đến khi đại dịch được dập tắt hoàn toàn, cuộc sống trở về bình thường như trước đây thì mới lại tiếp tục kéo đoàn, kéo đội đi cơ sở để thanh tra trực tiếp, trong khi như đã nói ở trên, rất có thể chúng ta sẽ phải sống lâu dài trong tình trạng “bình thường mới”. Nghĩa là vẫn khẩu trang, vẫn khử khuẩn, vẫn khoảng cách, vẫn hạn chế tập trung đông người, kể cả khi đã phủ rộng vaccine. Khi ấy chúng ta sẽ làm thế nào? Các đoàn thanh tra sẽ xử lý ra sao nếu trong một tương lai gần, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp sẽ khai tử các văn bản giấy? Chúng ta xử lý ra sao nếu đối tượng thanh tra thay vì cung cấp các văn bản hợp đồng, báo giá, biên bản cuộc họp đấu thầu như yêu cầu hiện nay mà lại cung cấp các dữ liệu số hóa, trong đó, AI (Trí tuệ nhân tạo - Artificial Intelligence) là nhân tố chấm thầu? Vì thế việc cần kíp lúc này là phải đổi mới phương thức thanh tra và tránh tụt hậu.
Trước hết, sự thay đổi đó phải từ thể chế pháp luật. Việc sửa đổi Luật Thanh tra là cơ hội để chúng ta tiếp cận và giải quyết vấn đề. Ở đó, bên cạnh phương pháp truyền thống, phải bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục thanh tra, các biện pháp nghiệp vụ thanh tra, việc sử dụng công nghệ trong hoạt động thanh tra cho phù hợp với những yêu cầu khách quan của đời sống xã hội và của hoạt động quản lý theo xu thế số hóa hiện nay. Trên cơ sở các quy định của Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành phải cụ thể hóa thành quy trình nghiệp vụ, các kỹ năng nghiệp vụ hoàn toàn mới. Quá trình này không thể không có sự tham gia của giới công nghệ thông tin.
Thứ hai, đội ngũ những người làm công tác thanh tra phải thay đổi nhận thức, tư duy về quản lý nhà nước và thanh tra, kiểm soát trong thời đại 4.0. Họ phải được trang bị kiến thức mới, kỹ năng mới mà trước nay ta chưa biết hay chưa quan tâm đến: Từ kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ, kỹ năng khai thác dữ liệu điện tử, thậm chí cả kỹ năng sử dụng AI trong phân tích, đánh giá số liệu…
Chúng ta phải thay đổi trong một nguyên lý bất biến: Đó là dù công nghệ phát triển đến mức nào, dù dịch bệnh có làm thay đổi nhiều mặt của đời sống thì xã hội vẫn luôn hiện diện vai trò của quản lý của nhà nước, mà có quản lý là phải có thanh tra. Thanh tra và xử lý vi phạm luôn là một nội dung thiết yếu của quản lý nhà nước. Chúng ta chỉ có thể đánh mất vai trò khi tự chúng ta tụt hậu./.
Vũ Văn Chiến
Hiệu trưởng Trường cán bộ Thanh tra