Người giữ bình yên cho những chuyến tàu

Thứ ba, 16/02/2016 15:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày giáp Tết, phố xá tấp nập, từng dòng người hối hả ngược xuôi. Đâu đó, có những con người âm thầm, lặng lẽ mang lại sự bình yên, an toàn cho mỗi chuyến tàu qua. Họ là những nhân viên gác chắn tàu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và cố gắng đảm bảo an toàn đường sắt cho người dân.
Những nhân viên gác chắn tàu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm,
sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi thời điểm
 
17 giờ 5 phút chiều, tiếng chuông điện thoại vang lên tại trạm gác chắn Km78 + 865, đoạn đường Hòa Phong nối liền với đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Việt Trì. Nhận điện thoại, anh Phan Tuấn Anh - nhân viên trực trạm thông báo với với 2 nhân viên còn lại trong ca trực là chuẩn bị có tàu khách xuôi Hà Nội. Tất cả sẵn sàng làm nhiệm vụ, nhanh chóng đứng vào vị trí, kéo rào chắn barie ngăn không cho người dân và các phương tiện tham gia giao thông đi qua. Công việc tưởng chừng như đơn giản ấy thực ra lại cực kỳ áp lực và khó khăn. Chỉ những người trong nghề mới hiểu hết được những vất vả hàng ngày mà họ luôn phải thực hiện bởi công việc đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ, quan sát kỹ lưỡng để không xảy ra sơ suất.
 
Anh Tuấn Anh đã có 4 năm trong nghề cho biết: “Mỗi nhân viên tại trạm gác được bố trí làm luân phiên ca ngày và ca đêm, mỗi ca kéo dài 12 tiếng. Đến bữa ăn, thường thì chúng tôi mang cơm nhà đi hoặc tranh thủ nấu tại trạm chứ không ra ngoài mua vì không ai được phép rời vị trí trong ca làm việc của mình. Có những lúc vừa cầm bát cơm đã phải tất tả chạy ra đường ray kéo rào chắn để đón tàu và đảm bảo sự an toàn cho người dân. Chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi cũng có thể mang lại hậu quả khôn lường”.
 
Cứ như vậy, mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu qua lại, anh Tuấn Anh và đồng nghiệp sau khi kéo gác chắn lại vào ghi lịch trình tàu. Công việc lặp đi lặp lại, buộc họ phải luôn tập trung, sẵn sàng trong mọi thời điểm. Đặc biệt là thời điểm Tết Nguyên đán, tàu phải tăng cường chuyến để phục vụ nhu cầu của hành khách về quê, vì thế công việc của các anh chị càng vất vả hơn, nhiều người phải đón giao thừa trên trạm. Chị Nguyễn Bích Ngọc cũng đã có 6 năm trong nghề chia sẻ: “Làm ban ngày còn đỡ, chứ ban đêm thì vất lắm. Anh chị em gác ca đêm không ai được phép ngủ, tàu qua lại thường xuyên nên phải chú tâm để tránh tai nạn, công việc cứ xoay mình vào, nhiều khi chẳng biết đến thời gian nữa. Lúc trực ca đêm giao thừa, tuy không được ở bên gia đình nhưng bù lại có các anh chị em đồng nghiệp, mình cũng đỡ buồn và thấy ấm lòng hơn”.
 
Vì sự an toàn của người khác, đôi khi những nhân viên gác chắn phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập. Chị Đỗ Thị Tuyết Lan, làm cùng ca với chị Ngọc và anh Tuấn Anh cho biết: “Ở đây, người dân qua lại đông, mỗi khi tàu sắp tới, chúng tôi kéo rào chắn ra nhưng nhiều người vẫn cố tình chui qua. Mình không né kịp là bị họ đâm xe vào ngay hoặc xe cố tình đâm vào rào chắn. Một số người không hiểu còn cãi lại, có người thiếu lịch sự văng tục, chửi bới khiến chúng tôi nhiều khi rất buồn. Khi tàu đi qua, kéo rào chắn vào hai bên đường, mọi người lại vội vã chạy xe, sợ lắm. Có khi người say rượu tự ý mở chắn băng qua hay ban đêm có người gõ cửa quấy phá”.
 
Vất vả là vậy nhưng một khi đã gắn bó với nghề thì họ vẫn miệt mài hoàn thành nhiệm vụ. Ngày cũng như đêm, mỗi chuyến tàu qua, các anh, các chị lại thêm phần trách nhiệm đảm bảo an toàn cho mọi người. Chị Ngọc tâm sự: “Vì đặc thù công việc nên tôi không có nhiều thời gian chăm sóc con cái. May mắn các con đều chăm ngoan, học giỏi, chồng cũng thông cảm nên luôn động viên, chia sẻ. Đây chính là niềm hạnh phúc lớn nhất với tôi”. Chính vì lý do đó mà chị và biết bao đồng nghiệp khác vẫn tiếp tục gắn bó với nghề.
 
Công việc gác chắn tàu tuy không khó nhưng đòi hỏi người làm
phải có sức khỏe, tập trung cao độ và quan sát kỹ lưỡng để không xảy ra sơ suất
 
Chuông điện thoại đổ dồn, một chuyến tàu nữa chuẩn bị tới. Gác lại câu chuyện, các anh, chị lại nhanh chóng làm nhiệm vụ. Tiếng còi tàu nhỏ dần và đoàn tàu khuất dần. Họ trở về trạm với nụ cười tươi rói. Chính sự lạc quan, say mê và tinh thần trách nhiệm với nghề của những người gác chắn đã giúp cho hàng trăm chuyến tàu qua được an toàn.
 

toanld

Nguồn: Phu Thọ Portal

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)