Bà Trương Thị Mai mong muốn các cơ quan truyền thông làm tốt vai trò đồng hành, ủng hộ sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Sáng 25/2, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đến dự buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Các đại biểu dự tọa đàm cho rằng, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung và trong hệ thống các cơ quan dân cử nói riêng.
Về sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, theo Liên minh Nghị viện Thế giới, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I đến Quốc hội khóa XIII tỷ lệ này là 24,4%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể, song các thách thức trong thu hẹp khoảng cách giới tại Việt Nam vẫn đang tồn tại.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: “Các yếu tố văn hóa truyền thống và định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến. Trong quy trình bầu cử chưa có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Nữ ứng viên thường phải gánh nhiều cơ cấu, dẫn đến cơ hội trúng cử thấp hơn nam giới. Nữ ứng cử viên thường phải xếp vào danh sách ứng cử cùng những người ứng cử có khả năng trúng cử cao hơn (thường là nam giới giữ chức vụ lãnh đạo cao hơn). Để phấn đấu đạt tỷ lệ 35% trở lên là đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, cần phải đảm bảo giới thiệu nữ ứng cử viên cao hơn tỷ lệ nói trên. Số liệu các kỳ bầu cử trước cho thấy trong danh sách ứng cử chính thức vào Quốc hội chỉ có 31% ứng cử viên là nữ, trong đó số ứng cử viên nữ do Trung ương giới thiệu là 12%”.
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là một trong các mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất. Tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử luôn là một chỉ tiêu đặc biệt quan trọng của mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.
Việt Nam cần có những bước đi vững chắc hơn và cần có những giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong đó, cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới và thúc đẩy tích cực sự ủng hộ phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực chính trị.
“Tôi mong muốn các cơ quan truyền thông sẽ tập trung làm tốt vai trò đồng hành, ủng hộ sự tham gia của phụ nữ trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tới đây bằng những trọng tâm tuyên truyền cụ thể, thiết thực. Đó là: các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; các quy định của Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trong đó có quy định có ít nhất 35% phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND; tích cực tuyên truyền nhằm giảm thiểu các định kiến giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ", bà Trương Thị Mai nêu rõ./.