Năm 2009, xuất phát từ những đòi hỏi thực tế về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về văn hóa an toàn hàng không cho người dân và cán bộ địa phương tại khu vực lân cận các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc. Đoàn thanh niên đã tham mưu và được lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đồng ý cho tổ chức thí điểm chương trình “Em yêu những chuyến bay trên bầu trời quê hương” tại địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Xác định rằng các hành vi vi phạm dẫn tới mất an toàn giao thông nói chung và an toàn giao thông hàng không nói riêng có yếu tố quyết định là con người và cụ thể là liên quan tới văn hóa của người tham gia, sử dụng các dịch vụ của ngành Giao thông vận tải, trên cơ sở đó để cụ thể hóa nội dung trên và với mục đích phát triển văn hóa an toàn hàng không thành một ý thức tự giác của mọi người tham gia hoạt động hàng không dân dụng, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, hiểu biết pháp luật của cán bộ, công nhân viên ngành Hàng không; nâng cao nhận thức của nhân dân về an toàn hàng không và phát huy vai trò của người dân trong việc tuyên truyền, xây dựng và bảo đảm an toàn hàng không; Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành và triển khai Kế hoạch tổ chức Cuộc vận động nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn Hàng không giai đoạn 2014 - 2020 ngành Hàng không Việt Nam. Đặc biệt, đối với tuổi trẻ ngành Hàng không Việt Nam, nhiệm vụ trọng tâm hết sức vinh dự và trách nhiệm được giao trọng trách, đó là cơ quan thường trực của cuộc vận động toàn Ngành.
Để có được sự tin tưởng của các cấp ủy Đảng và lãnh đạo Ngành với tuổi trẻ toàn Ngành; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an ninh, an toàn Hàng không và phổ biến kiến thức về văn hóa an toàn hàng không đã được các tổ chức Đoàn và lực lượng Đoàn viên, thanh niên triển khai hiệu quả trong những năm vừa qua.
Giai đoạn tổ chức thí điểm
Năm 2009, xuất phát từ những đòi hỏi thực tế về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về văn hóa an toàn hàng không cho người dân và cán bộ địa phương tại khu vực lân cận các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc. Đoàn thanh niên đã tham mưu và được lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đồng ý cho tổ chức thí điểm chương trình “Em yêu những chuyến bay trên bầu trời quê hương” tại địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về an ninh, an toàn và văn hóa an toàn giao thông hàng không “Em yêu những chuyến bay trên bầu trời quê hương” được phát động tại trường THCS Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên với sự tham gia của hơn 300 em học sinh toàn trường; Hội nghị tuyên truyền cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội chủ chốt có sự tham gia của hơn 100 đồng chí cán bộ Đoàn chủ chốt của các cơ quan, đơn vị tại thành phố Điện Biên Phủ.
Đối với tuổi trẻ Hàng không Việt Nam thời điểm ấy, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, an toàn và văn hóa an toàn hàng không cho đối tượng người dân và học sinh phổ thông hoàn toàn mới và khác so với việc tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công nhân viên trong Ngành. Từ công tác chuẩn bị, biên soạn tài liệu tuyên truyền, tài liệu công tác, tổ chức, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành… đều hết sức bỡ ngỡ và đôi lúc còn lúng túng. Tuy vậy, vượt qua mọi khó khăn và sự bỡ ngỡ ban đầu, bằng tính xung kích, kiến thức và tinh thần vượt khó của tuổi trẻ; Chương trình tuyên truyền “Em yêu những chuyến bay trên bầu trời quê hương” tổ chức tại thành phố Điện Biên Phủ đã để lại ấn tượng tốt đẹp với người dân và các em học sinh thành phố về một nội dung tuyên truyền mới và hết sức bổ ích về văn hóa an toàn giao thông, đó là văn hóa an toàn giao thông hàng không.
Cảm nhận của người dân và chính quyền địa phương đều cho rằng, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt… đã được làm nhiều, còn về an toàn giao thông hàng không thì rất mới, rất bổ ích, hấp dẫn và rất nên được tiếp tục triển khai, phát triển. Trên cơ sở những thành công bước đầu của chương trình, đồng chí Lại Xuân Thanh, thời điểm đó là Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam trong Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Em yêu những chuyến bay trên bầu trời quê hương” tại thành phố Điện Biên Phủ đã quyết định giao cho Đoàn Thanh niên triển khai Chương trình trên phạm vi toàn quốc.
Những kết quả bước đầu
Tiếp nối những thành công của năm 2009, năm 2010, Chương trình được tổ chức tại khu vực lân cận Cảng hàng không Đồng Hới và Phú Quốc; năm 2011 tại khu vực lân cận Cảng hàng không Pleiku và Rạch Giá; năm 2012 tại khu vực lân cận Cảng hàng không Vinh; năm 2013 tại khu vực lân cận Cảng hàng không Thọ Xuân và Chu Lai. Từ năm 2014 tới nay, chương trình tuyên truyền đã lan tỏa và được tổ chức tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc với sự tham gia của tổng số hơn 20.000 em học sinh và hơn 2.000 cán bộ chính quyền, Đoàn, Hội, Đội chủ chốt của các khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc. Nội dung và tên gọi của cuộc thi đã trở thành “thương hiệu” của ngành Hàng không Việt Nam và đã đi vào trong những trang thơ, câu chuyện của các em học sinh tại các địa phương nơi Chương trình đã đi qua.
Những thành công bước đầu của Chương trình tiếp tục được ghi nhận, đồng thời ghi nhận vai trò của tổ chức Đoàn trong việc tổ chức, triển khai chương trình. Năm 2011, chương trình “Em yêu những chuyến bay trên bầu trời quê hương” là mô hình tuyên truyền điểm về an toàn giao thông được tuyên dương trong báo cáo công tác Năm Thanh niên 2011 của Trung ương Đoàn. Năm 2012, Ban Chỉ đạo chương trình “Em yêu những chuyến bay trên bầu trời quê hương” được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn vì những thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên. Năm 2013, Ban chỉ đạo năm văn hóa an toàn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn vì những thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên. Năm 2014, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tiếp tục được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Sự quan tâm, chỉ đạo, triển khai phối hợp hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Ngành
Những thành tích đạt được của Chương trình, bên cạnh vai trò xung kích của tuổi trẻ Cục Hàng không Việt Nam còn có sự quan tâm, chỉ đạo, triển khai phối hợp hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Ngành.
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Cục Hàng không Việt Nam đã được thành lập do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam làm Trưởng ban, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo tất cả các cơ quan, đơn vị trong Ngành.
Các cơ quan, đơn vị trong Ngành cũng cử nhân sự tham gia tích cực trong Chương trình. Trực tiếp cử các đồng chí Bí thư Đoàn Thanh niên các đơn vị tham gia cùng với đoàn công tác trong quá trình tổ chức, triển khai và thực hiện Chương trình. Năm 2011, Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam thời điểm ấy đã xây dựng và triển khai tiểu phẩm sân khấu hóa về văn hóa an toàn giao thông hàng không với tên gọi “Sáu đi hỏi vợ” được đánh giá rất cao trong quá trình triển khai tại các trường THCS và Hội nghị tuyên truyền tại địa bàn Cảng hàng không Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Chương trình đã có sự phối hợp hiệu quả với các cơ sở Đoàn trong Ngành để tổ chức tốt hoạt động xã hội, tình nghĩa; thông qua đó tăng cường mối đoàn kết giữa Cảng Hàng không và chính quyền, nhân dân địa phương. Chương trình đã tổ chức trao tặng hàng chục ngàn tập vở, hơn 1.000 xuất học bổng, 20 bộ máy vi tính cho các em học sinh tại các trường THCS trên địa bàn các địa phương nơi chương trình đã đi qua.
Về phía địa phương, nơi tổ chức Chương trình. Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ hết sức tích cực và tạo điều kiện của các địa phương, đặc biệt là của các tỉnh, thành đoàn trong quá trình tổ chức và triển khai Chương trình. Các tỉnh, thành đoàn đã quan tâm, hỗ trợ Chương trình trong công tác tổ chức, mời các đại biểu, ban ngành, cơ quan đơn vị, cơ quan báo chí tại địa phương theo đúng đề nghị của Ban Chỉ đạo Chương trình. Hỗ trợ, giúp đỡ đăng tải các nội dung tuyên truyền về Chương trình lên báo tỉnh, Truyền hình tỉnh, website tỉnh, website của Tỉnh đoàn, thành đoàn và lên các hệ thống thông tin của tổ chức Đoàn tại địa phương; trực tiếp liên hệ và tạo các điều kiện, thủ tục thuận lợi với Phòng Giáo dục tại các địa phương để tổ chức Cuộc thi và Hội nghị tuyên truyền. Phối hợp tích cực trong quá trình tổ chức các hoạt động xã hội, tình nghĩa của Đoàn công tác tại địa phương và ký kết các Chương trình phối hợp về tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an ninh, an toàn và văn hóa an toàn giao thông hàng không với Đoàn thanh niên của các đơn vị trong ngành Hàng không.
Những nhiệm vụ mới đặt ra cho tổ chức Đoàn và lực lượng Đoàn viên thanh niên
Trên cơ sở những thành tích bước đầu đã đạt được; mặc dù phải thừa nhận rằng thực tế hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an ninh, an toàn hàng không chưa thực sự đáp ứng được mong muốn của Ngành; trong năm 2013 Đoàn Thanh niên Cục Hàng không Việt Nam đã được tin tưởng giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Năm Văn hóa an toàn hàng không 2013. Việc tham mưu cho lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam triển khai Cuộc vận động nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn Hàng không giai đoạn 2014 - 2020 đã đưa các hoạt động này lên một tầm cao mới, đó là không những chỉ tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an ninh, an toàn hàng không mà còn phải từng bước xây dựng được nhận thức về văn hóa an toàn hàng không đối với cán bộ công nhân viên trong Ngành và toàn thể xã hội.
Trong các giải pháp được đưa ra để triển khai thực hiện nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn hàng không, vai trò của tổ chức Đoàn và đoàn viên thanh niên được xác định là nòng cốt trong việc xây dựng văn hóa an toàn Hàng không trong Ngành. Với tổng số Đoàn viên, thanh niên trong là gần 20.000 chiếm 50% tổng số cán bộ, công nhân viên toàn Ngành; đây là lực lượng có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản, có nhiệt tình công tác và được trưởng thành trong rèn luyện từ nhiều phong trào, chương trình hoạt động của các cơ sở Đoàn trong Ngành mà tiêu biểu là phong trào “Tuổi trẻ Hàng không Việt Nam xung kích, sáng tạo, tình nguyện vì những chuyến bay an toàn, hiệu quả”. Việc giao cho Đoàn Thanh niên là cơ quan thường trực của Cuộc vận động cho thấy sự tin tưởng mà các cấp ủy và lãnh đạo Ngành đặt ra cho tổ chức Đoàn và lực lượng đoàn viên, thanh niên; đồng thời cũng là nhiệm vụ, là yêu cầu của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của tổ chức Đoàn với mục đích cao nhất là phục vụ, góp phần thực hiện thắng lợi công tác chuyên môn, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tổ chức, đơn vị.
Với sự quan tâm, tin cậy và ủng hộ của các cấp ủy Đảng, vai trò của tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh niên trong công tác chuyên môn, đặc biệt là công tác bảo đảm an ninh, an toàn đã được nâng cao. Trên cơ sở những thành công bước đầu tổ chức Đoàn và lực lượng đoàn viên, thanh niên đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực là cơ quan thường trực để triển khai thắng lợi Cuộc vận động nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn hàng không giai đoạn 2014 - 2020. Đây là một cuộc vận động lớn, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài, đòi hỏi quá trình tổ chức triển khai hết sức khoa học, bền bỉ và gian khổ với mục tiêu xây dựng Văn hóa an toàn hàng không thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.
Sau 7 năm kể từ ngày triển khai các hoạt động tuyên truyền đầu tiên, cho tới ngày hôm nay, dù còn nhiều thử thách và những nhiệm vụ đặt ra phía trước; nhưng với truyền thống hơn một phần tư thế kỷ xây dựng và trưởng thành của tuổi trẻ Hàng không Việt Nam, với những thành tích bước đầu trong giai đoạn vừa qua, Tuổi trẻ Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào công tác chuyên môn, trong đó có công tác tuyên truyền, phố biển kiến thức pháp luật về an ninh, an toàn hàng không và nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn hàng không xứng đáng với truyền thống “Xung kích, sáng tạo, tình nguyện vì những chuyến bay an toàn, điều hòa, hiệu quả”.