Trong khuôn khổ Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 3, Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức các hội nghị chuyên đề về Công nghệ môi trường, quản lý môi trường, đa dạng sinh học và xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực môi trường.
Trong khuôn khổ Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 3, Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức các hội nghị chuyên đề về Công nghệ môi trường, quản lý môi trường, đa dạng sinh học và xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực môi trường.
Hiện nay, năng lượng tiêu thụ ở các đô thị chiếm gần 75% tổng năng lượng tiêu thụ của quốc gia nên ô nhiễm không khí trầm trọng thường xảy ra ở các đô thị, chủ yếu là ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải gây ra, ô nhiễm bụi và ô nhiễm khí độc hại.
Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, mặc dù đã được quy định trong hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường một cách khá đầy đủ và toàn diện, song kết quả đạt được còn hạn chế.
Theo ông Thắng, cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về các chính sách ưu đãi về đất đai, vốn, thuế, tín dụng cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Các đơn vị tổ chức truyền thông rộng rãi, nâng cao nhận thức, tổ chức các diễn đàn kêu gọi đầu tư vào các công trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường, tăng cường cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tại các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn phong trào bảo vệ môi trường trong nhân dân, đặc biệt cần phát huy vai trò các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ của cộng đồng trong việc giám sát và thực thi các quy định pháp luật.
Báo cáo “Thực trạng ô nhiễm không khí đô thị ở Việt Nam” của Giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chỉ rõ, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, do mật độ phương tiện tham gia giao thông cao nên nồng độ CO, SO2, NO2 trong không khí cao hơn hẳn so với các đô thị khác, điểm hình như ở các nút giao thông ngã tư Đinh Tiên Hoàng (TP. HCM), nút giao thông Kim Liên - Giải Phóng (Hà Nội).
Ông Đăng đề xuất cải tạo quy hoạch hệ thống giao thông đô thị, phát triển giao thông công cộng, thắt chặt các tiêu chuẩn môi trường có liên quan như tiêu chuẩn xăng dầu, tiêu chuẩn khí thải của các phương tiện giao thông cơ giới; tiến hành kiểm soát nguồn thải của các loại xe và cấm vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải; khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch hơn như xe chạy bằng khí hoá lỏng, xăng sinh học.
Một thực trạng tồn tại nhiều năm nay tại các thành phố lớn ở là khối lượng chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, trong khi đó giải pháp xử lý rác bằng cách chôn lấp biểu hiện nhiều nhược điểm rất khó giải quyết.
Thời gian gần đây, tại TP. HCM, có một số công ty nước ngoài đã giới thiệu công nghệ đốt chất thải sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại kết hợp phát điện. Qua nghiên cứu tại TP. HCM, khối lượng chất thải có thể sử dụng để thiêu đốt sẽ khoảng 49% tổng khối lượng chất thải. Vì vậy, các đại biểu cho rằng việc tiếp nhận đầu tư các dự án đốt chất thải kết hợp phát điện tại TP. HCM là có cơ sở và có tính khả thi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Viện kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cho biết, về đánh giá hiệu quả, công nghệ này sẽ làm cho khối lượng rác được tiêu huỷ bằng cách chôn lấp giảm đi nhiều, tận dụng được nhiệt để phát điện; sẽ không cần quá nhiều đất để chôn lấp cũng như giải quyết được tương đối triệt để vấn đề chất thải hiện nay. Công nghệ đốt là công nghệ mang lại hiệu quả cao và thế giới đang rất quan tâm. Ông Sỹ cho rằng, Việt Nam cũng nên quan tâm để giải quyết vấn đề chất thải rắn triệt để hơn.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đề xuất giải pháp về công nghệ xử lý khử độc cho môi trường bị nhiễm các hoá chất độc hại, cải tạo và phục hồi môi trường bãi mỏ than, công nghệ xử lý nước thải tại Việt Nam.
(GD&TĐ)