Hiệu quả bước đầu cuả xăng sinh học E5
Thứ sáu, 29/04/2011 09:20
Trên thế giới đã có hơn 50 quốc gia sử dụng xăng sinh học. Tại Braxin, xăng sinh học đã sản xuất sử dụng từ năm 1975. Na Uy, nước xuất khẩu dầu mỏ, cũng có đến 50% năng lượng được dùng từ nhiên liệu sinh học này. Còn tại Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã có luật bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học ở một tỷ lệ nhất định.
Trên thế giới đã có hơn 50 quốc gia sử dụng xăng sinh học. Tại Braxin, xăng sinh học đã sản xuất sử dụng từ năm 1975. Na Uy, nước xuất khẩu dầu mỏ, cũng có đến 50% năng lượng được dùng từ nhiên liệu sinh học này. Còn tại Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã có luật bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học ở một tỷ lệ nhất định.
Thậm chí, với xăng E5, một số quốc gia xem như là sản phẩm thông thường, không cần ghi tỷ lệ trên sản phẩm, chỉ ghi rõ tỷ lệ là E10 hay E20... Tại Việt Nam, thực hiện Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã quyết liệt triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất và hệ thống bán lẻ và hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Tháng 8/2010, sản phẩm xăng sinh học E5 của PV Oil đã có mặt ở 3 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương). Đến nay, xăng E5 đã có mặt ở 8 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước với giá bán thấp hơn mặt bằng 500 đồng/lít. Riêng năm 2010, PV Oil đã sản xuất được 4.200 m3. Đây là loại sản phẩm thân thiện với môi trường, thay cho nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá đang ngày càng cạn kiệt.
Sản phẩm xăng sinh học được PV Oil đầu tư sản xuất tại Nhà máy Ethanol Đại Tân (Đại Lộc, Quảng Nam) với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Mỗi năm, Nhà máy sản xuất 100 tấn cồn ethanol, tương đương với 120 triệu lít xăng sinh học. Với công suất hiện tại, Nhà máy tiêu thụ 300.000 tấn sắn khô, như vậy, cần có 20.000 ha đất trồng sắn, góp phần ổn định việc làm cho hàng vạn nông dân của Quảng Nam và các địa phương lân cận.
Theo kết quả của Phòng Thí nghiệm động cơ đốt trong, Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2008, với hai loại xe: Xe máy Honda Super Dream và ôtô Ford Laser cho thấy, so với xăng A92, xăng pha 5% cồn tiết kiệm được khoảng 5% nhiên liệu, xe chạy tốt, tính năng động cơ vẫn được đảm bảo. Việc dùng xăng E5 có chi phí rẻ hơn bởi loại nhiên liệu này giúp tăng tuổi thọ của một số bộ phận trong động cơ. Tuổi thọ động cơ tăng đồng nghĩa với việc chi phí bảo dưỡng giảm. Thêm nữa, việc sử dụng nhiên liệu etanol có thể tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có, không bị phụ thuộc vào dầu mỏ. Ngoài ra, kết quả đo kiểm khí thải khi sử dụng xăng E5 cũng cho thấy nồng độ khí CO, CO2 đều thấp hơn hoặc tương đương xăng A92. Đặc biệt, khí thải HC (hidro carbon) của xăng E5 là 39, trong khi chỉ số này đối với xăng A92 là 61. Kết quả thử nghiệm này phản ánh đúng nhận định của các nhà khoa học “sử dụng xăng E5 nhiên liệu cháy triệt để hơn dẫn đến khí thải sạch hơn.”
Sau một thời gian đưa ra thị trường, tác dụng tích cực của xăng sinh học E5 đã được xã hội công nhận. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người tiêu dùng vẫn còn khá xa lạ với xăng E5 bởi vì họ thiếu thông tin về loại nhiên liệu sạch này. Trong khi đó, quy mô sản xuất của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế vì Nhà nước chưa có nhiều ưu đãi để thúc đẩy việc sản xuất và kinh doanh xăng E5. Trước tình hình này, Lãnh đạo PV Oil cho biết, trong thời gian tới PV Oil sẽ tăng công suất, số lượng trạm pha chế xăng E5 để có thể bán xăng E5 trên toàn bộ hệ thống bán hàng. Đồng thời, Công ty sẽ tăng cường cung cấp thông tin đến người tiêu dùng, mọi thắc mắc của khách hàng sẽ được nhân viên bán hàng. Ngoài xăng E5, dự kiến sớm nhất là năm 2011, trên thị trường Việt Nam sẽ có xăng E10. Hiện nay PV Oil đang tiến hành nghiên cứu, lấy ý kiến của các nhà khoa học để chính thức đề nghị với Chính phủ về sản phẩm E10.
Theo ông Lê Xuân Trình - Phó Tổng giám đốc PV Oil, xăng sinh học E5 là sản phẩm mới nên doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước về thuế, phí trong việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, cũng như chính sách pháp luật và thúc đẩy phát triển thị trường. Ngoài ra, Nhà nước cần có quy hoạch nguyên liệu cho sản xuất, giá thành giảm giá thành sản phẩm để người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận với sản phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường, Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) - thành viên của PV Oil đang thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu sinh học (Bio- Ethanol) công suất 330 tấn/ngày với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay tại khu I, xã Cổ Tiết (Tam Nông, Phú Thọ). Đây là dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Bio- Ethanol lớn nhất khu vực phía Bắc. Dự kiến Nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong quý III/2011. Sự ra đời của Nhà máy tại khu vực phía Bắc sẽ tạo ra nguồn sinh học giá rẻ làm nguyên liệu chế biến xăng sinh học (E5, E10), thay thế một phần xăng truyền thống đang phải nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, giảm bớt lượng khí thải CO2 của động cơ ra môi trường; Góp phần tăng thu nhập cho người nông dân thông qua việc tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động nhờ chuyển hướng tích cực từ các cây trồng khác (lợi ích kinh tế thấp) sang cây nguyên liệu sắn với nhu cầu rất lớn (khoảng 750 tấn sắn/ngày); Tạo hiệu ứng dây chuyền phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Để chủ động nguồn nguyên liệu bên cạnh việc đưa vào vùng nguyên liệu có sẵn, PV OIL còn áp dụng quy trình kỹ thuật khép kín từ khâu quy hoạch vùng trồng, chuẩn bị đất, giống, kỹ thuật canh tác và chú trọng tới việc ổn định nguồn nguyên liệu, cần thiết sau mỗi vụ thu hoạch, đặc biệt đảm bảo sản lượng cho sản xuất mùa tiếp theo.
Trước những tín hiệu lạc quan về tình hình tiêu thụ xăng E5, bên cạnh một số tỉnh/thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh... dự kiến, đến cuối năm 2012, PV Oil sẽ mở rộng lên trên 4.000 điểm bán để phục vụ thị trường cả nước.
Có thể nói, sự ra đời của xăng sinh học Enthnol không chỉ giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí độc hại, có khả năng phân hủy sinh học, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm cho nông dân nghèo. Mặt khác, việc sử dụng sắn là nguyên liệu sẽ giúp nông dân nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đất khô cằn, kém màu mỡ có cơ hội cải thiện đời sống.
KO (Theo Tổng cục Môi trường)
Kim Oanh