Xăng sinh học - nhiên liệu của ngày mai

Thứ tư, 26/09/2012 08:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đã 5 năm trôi qua kể từ khi Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025” được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhưng dường như xã hội vẫn còn xa lạ với xăng E5.
Đã 5 năm trôi qua kể từ khi Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025” được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhưng dường như xã hội vẫn còn xa lạ với xăng E5. Nguy cơ và giải pháp Các chuyên gia đã đưa ra một con số dự báo khá “sốc”, với tốc độ tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt chiếm khoảng 60-80% cán cân năng lượng thế giới như hiện nay thì chỉ chưa đầy nửa thế kỷ nữa, nguồn năng lượng này sẽ cạn kiệt. Tương lai, con cháu chúng ta sẽ lấy năng lượng từ đâu? Người phát minh ra định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng nếu có hồi sinh hẳn cũng bối rối trước câu hỏi này. Hầu hết các quốc gia đều cảm nhận được sự đe dọa từ phía nguy cơ này và trong vòng một thập kỷ trở lại đây cuộc truy tầm các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ đang trở thành trào lưu, đặc biệt đối với các nước nông nghiệp và phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu nhiên liệu. Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân… và năng lượng sinh học đang là cứu cánh cho xu thế phát triển tất yếu do các lợi ích của nó về công nghệ sản xuất, nguồn nguyên liệu tại chỗ, kinh tế hơn và không cần thay đổi cấu trúc động cơ cũng như cơ sở hạ tầng. Nhiên liệu sinh học (NLSH) có ưu điểm nổi bật so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống (dầu khí, than đá...) là chúng sinh ra ít hàm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính và ít gây ô nhiễm môi trường hơn. Nguồn nhiên liệu này lấy từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và có thể tái sinh. Chúng giúp giảm sự lệ thuộc vào nguồn tài nguyên nhiên liệu hóa thạch. Đến thời điểm này, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Brazil, Thái Lan, Indonesia… đã thành công trong việc sản xuất NLSH và đưa vào cuộc sống, thay thế dần nhiên liệu hóa thạch, họ đã có chính sách, quy chuẩn rõ ràng về việc sử dụng rộng rãi NLSH. Việt Nam mới chỉ đặt chân lên con đường này và bắt đầu bước những bước đầu tiên, tuy vậy, hành trình phía trước xem ra còn đầy gian nan dù đã có một định hướng đúng đắn. Hành trang cần thiết Xăng E5 là hỗn hợp bao gồm xăng truyền thống A92 được pha thêm 5% Ethanol (một NLSH được sản xuất từ gỗ thải, rơm rạ, mía, sắn, ngô) dùng làm nhiên liệu cho các loại động cơ xe máy, ôtô. Do có trị số oc-tan cao nên khi pha Ethanol với xăng, sẽ giúp gia tăng trị số oc-tan, nâng cao hiệu suất cháy, tỉ số nén cao, giúp tiết kiệm nhiên liệu. Do có nguồn gốc thực vật nên xăng sinh học có khả năng phân hủy sinh học nhanh, phát thải khí trong quá trình đốt cháy, giảm đến hơn 30% khí CO2 - loại khí gây hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu trái đất - và giảm đáng kể lượng hạt bụi, khí độc HC, NO, SO, CO... ra môi trường. Để thành công trong việc đưa NLSH vào đời sống mà trước hết là việc sử dụng xăng E5 thay thế các loại xăng truyền thống, có hai điều kiện được coi là tiên quyết: Một là, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương cần sớm ban hành chính sách và có cơ chế pháp lý phù hợp cho việc đầu tư, sản xuất, phân phối và sử dụng NLSH - xăng E5 tại Việt Nam, ứng dụng khoa học mới vào sản xuất kinh doanh và phát triển vùng nguyên liệu để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển thị trường. Hai là, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng để truyền tải đến các nhà khoa học, người tiêu dùng hiểu rõ về NLSH cũng như lợi ích của NLSH, của đối với môi trường, đối với vấn đề an ninh năng lượng trong tương lai. Nếu không tiến hành đồng bộ và kiên quyết hai việc này, đề án của Chính phủ về “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025” sẽ không thể thực thi. Hiện nay, hai đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất và phân phối nhiên liệu xăng E5 tại Việt Nam là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty Dầu khí TP HCM (Saigon Petro). Trong đó, PV Oil là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được giao chủ lực trong sản xuất, tiêu thụ xăng E5. Nhận thức tầm quan trọng của NLSH đối với vấn đề an ninh năng lượng và với sức mạnh của một tập đoàn kinh tế hàng đầu, PVN đã đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất bio-ethanol đặt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam với công suất của mỗi nhà máy là 100.000m3/năm. Việc phát triển NLSH là một trong các mục tiêu nằm trong Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí và là một hướng phát triển ưu tiên đặc biệt. PVN có kế hoạch tập trung tuyên truyền về lợi ích, tác động của NLSH, xăng E5 đối với người sử dụng, với môi trường, với các phương tiện giao thông…; tình hình sản xuất, sử dụng NLSH trên thế giới và các nước trong khu vực; cơ chế chính sách của Chính phủ một số nước về sản xuất và sử dụng NLSH; những khó khăn gặp phải của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc sản xuất, chế biến, phân phối NLSH và xăng sinh học E5; tìm giải pháp, cơ chế để thúc đẩy việc tiêu thụ NLSH tại Việt Nam hiện nay và tương lai. Có thể nói, để đưa NLSH vào cuộc sống, song hành với việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự ủng hộ của cộng đồng với chính sách đúng đắn này, cần phải sớm có lộ trình bắt buộc sử dụng xăng E5 tại Việt Nam bởi sự lựa chọn cho tương lai, trong bối cảnh nhiên liệu truyền thống đang dần cạn kiệt, đã được khẳng định - đó chính là nhiên liệu sinh học.
Longlv - Theo nangluongmoi

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)