Một lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 12.11 cho biết EU sẽ trì hoãn thêm một năm việc áp dụng thuế carbon gây tranh cãi trên các chuyến bay ngoài EU.
Theo AFP, EU áp dụng thuế carbon vào ngày 1/1/2012, theo đó các chuyến bay quốc tế ngoài EU hạ cánh và khởi hành từ các quốc gia thành viên EU sẽ phải nộp thuế.
“Bởi vì nhiều quốc gia phản đối thuế carbon này nên chúng tôi đề xuất trì hoãn nó cho đến kỳ họp Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) vào mùa thu năm 2013”, AFP dẫn lời bà Connie Hedegaard, Ủy viên EU phụ trách vấn đề bảo vệ môi trường.
Như vậy, thuế carbon của EU sẽ tạm thời bị "đóng băng" cho đến năm 2013.
EU áp dụng thuế carbon nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon gây ra biến đổi khí hậu, nhằm giúp 27 nước thành viên EU đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải 20% vào năm 2020.
Tuy nhiên, hơn 20 quốc gia trên thế giới phản đối gay gắt thuế carbon của EU, bao gồm Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Mỹ…, và cho rằng loại thuế này vi phạm luật quốc tế.
Các hãng hàng không ở các nước cho rằng họ sẽ bị lỗ vì đóng thuế quá nhiều, trong khi EU cho rằng mức thuế carbon làm tăng chi phí mỗi chuyến bay từ 4-24 euro (tùy theo chuyến dài hay gắn) là “hợp lý”.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đi đầu về việc phản đối thuế carbon của EU.
Hồi tháng 4/2012, Ấn Độ ra lệnh cấm các hãng hàng không nước này đóng thuế carbon khi bay đến các quốc gia EU, sau đó Trung Quốc cũng ra lệnh cấm tương tự, theo AFP.
Longlv - Theo thanhnien