Với chức năng kiểm soát an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới thì vai trò và trách nhiệm của công tác đăng kiểm trong kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ngày càng quan trọng, nặng nề và được đề cập đến trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như các bộ Luật Hàng hải, Luật Đường thủy nội địa, Luật Giao thông đường bộ, …
Trong quá trình khái thác, sử dụng, các loại phương tiện giao thông vận tải đường sắt, đường thủy và đường bộ là những nguồn chính tiêu tốn nhiên liệu và thải ra các khí độc hại như ô xít các bon (CO), các loại hy đrô các bon (HC), các ô xít Ni tơ (NOx), bụi thải (PM) … ảnh hưởng đến sức khỏe và khí CO2 gây biến đổi khí hậu. Song song quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là quá trình cơ giới hóa các phương tiện giao thông và sự phát triển mạnh mẽ các phương tiện vận tải. Cùng với tình trạng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông thì ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng mà có đóng góp không nhỏ từ khí thải các loại phương tiện giao thông đang đặt ra những thách thức rất lớn, trong đó có một phần liên quan đến công tác đăng kiểm. Với chức năng kiểm soát an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới thì vai trò và trách nhiệm của công tác đăng kiểm trong kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ngày càng quan trọng, nặng nề và được đề cập đến trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như các bộ Luật Hàng hải, Luật Đường thủy nội địa, Luật Giao thông đường bộ, …
Trong những năm gần đây, số lượng phương tiện giao thông mà đặc biêt xe cơ giới tăng lên nhanh chóng. Cho đến nay, cả nước có hơn 1 triệu 500 nghìn ô tô các loại; khoảng 37 triệu xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành; 1.637 tàu biển mang cấp của VR với trọng tải 8,269 triệu tấn; 265.348 phương tiện thủy nội địa; 7.765 phương tiện đường sắt được VR kiểm tra (trong đó có 408 đầu máy điêzen). Hàng năm có thêm khoảng 100 nghìn ô tô và hơn 3 triệu xe mô tô, xe gắn máy mới được đưa vào sử dụng, tạo nên sức ép không nhỏ lên môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn.
Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về kiểm soát khí thải phương tiện, trong những năm qua ngành đăng kiểm đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện cả về phạm vi và chất lượng. Song song với đăng kiểm an toàn kỹ thuật, công tác đăng kiểm về môi trường, đặc biệt là khí thải phương tiện giao thông đang dần bao hàm hầu hết các loại hình phương tiện và kiểm soát toàn bộ vòng đời sản phẩm từ khâu thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất lắp ráp hoặc nhập khẩu, đến quá trình lưu hành. Cong tác này đã được triển khai thực hiện đã được tiến hành trên phạm cả nước thông qua mạng lưới 26 chi Cục và các chi nhánh, 109 Trung tâm Đăng kiểm thuộc Cục ĐKVN và các Sở GTVT, các đội kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu và SXLR, các cơ sở SXLR xe được ủy quyền, Trung tâm thử nghiệm khí thải PTGTCGĐB quốc gia và các cơ sở thử nghiệm khí thải xe cơ giới được ủy quyền tại trong và ngoài nước.
Kiểm soát khí thải phương tiện cơ giới đường bộ
Thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 từ 1/7/2007, tất cả các loại xe cơ giới SXLR và nhập khẩu đều phải được kiểm tra, thử nghiệm thỏa mãn tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2, các mẫu xe phải qua các phép thử bao gồm:
- Đo các chất ô nhiễm (CO, HC, NOx, các hạt PM) trong khí thải ở đuôi ống xả;
- Đo độ khói trong khí thải ở đuôi ống xả của xe và động cơ dùng nhiên liệu điêzen;
- Đo phát thải khí trong cacte động cơ (hộp kín chứa dầu bôi trơn động cơ) xe ô tô xăng;
- Đo chất HC bay hơi từ xăng của mô tô, xe máy và ô tô hạng nhẹ.
Đây là những phép thử phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao và vì vậy cần phải có trang thiết bị hiện đại. Hiện tại Trung tâm Thử nghiệm khí thải PTGTCGĐB quốc gia (NETC) đã được Cục ĐKVN đàu tư xây dựng có mức độ hiện đại tương đương với các nước phát triển, cùng với đội ngũ đăng kiểm viên được đào tạo ở nước ngoài có khả năng thực hiện đến phép thử Euro 4. Kể từ khi đi vào hoạt động(2011), Trung tâm NETC đã tiến hành thử nghiệm 492 mẫu mô tô, xe máy (trong đó có 356 mẫu SXLR và 136 mẫu xe nhập khẩu); 329 mẫu xe ô tô hạng nhẹ (trong đó có 193 mẫu xe SXLR và 126 mẫu xe nhập khẩu, 257 mẫu xe xăng và 72 mẫu xe đi-ê-zen); 161 mẫu động cơ ô tô hạng nặng, đi-ê-zen. Qua thử nghiệm có một số mẫu không đạt tiêu chuẩn, xe nhập khẩu phải tái xuất và xe/động cơ SXLR được thay mẫu mới. Việc này có tác dụng thực sự đối với giảm ô nhiễm khí thải xe cơ giới ngay từ gốc, ngăn chặn những những mẫu xe, động cơ có thiết kế lạc hậu, nâng cao chất lượng xe/động cơ.
Để tăng cường công tác kiểm soát xe đang lưu hành vi phạm về tiêu chuẩn môi trường, hàng năm Cục Đăng kiểm Việt Nam đều phối hợp với Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông tổ chức các Tổ kiểm tra lưu động trên đường, tại các bến xe theo nhiều đợt trong năm. Các Tổ kiểm tra lựa chọn xe có dấu hiệu vi phạm về môi trường hoặc vi phạm về an toàn để kiểm tra, trong đó tập trung vào xe buýt, xe chở khách. Cụ thể, Năm 2011 thực hiện 04 đợt kiểm tra: 03 đợt tại Hà Nội và 01 đợt tại khu vực phía Nam; năm 2012 thực hiện 04 đợt kiểm tra tại Hà Nội.
Qua tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và kiểm tra trên đường mà trong những năm gần đây chất lượng môi trường của xe ô tô được tăng lên đáng kể. Rõ nét nhất là hiện tượng xe buýt nhả khói đen đã giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định của Chính phủ về quy định niên hạn sử dụng 20 năm đối với ô tô chở khách và 25 năm đối với ô tô chở hàng, hàng năm có đến hàng nghìn phương tiện cũ, quá niên hạn sử dụng, gây ô nhiễm môi trường bị loại bỏ, góp phần giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.
MT