Sử dụng năng lượng mặt trời tỏ ra khá hiệu quả trong thời gian qua, nhưng chi phí cao, trong khi vẫn gây ô nhiễm môi trường. Trước thực tế này, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp mới để khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn năng lượng này.
Hệ thống mô phỏng quá trình quang hợp của cây xanh
Theo Science Daily, nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Harvard, Trường Y khoa Harvard, Viện Wyss... vừa tạo ra hệ thống sử dụng vi khuẩn để chuyển hóa năng lượng mặt trời thành nhiên liệu dạng lỏng. Hệ thống bao gồm lá cây nhân tạo. Dưới sự tác động của chất xúc tác, ánh sáng mặt trời sẽ tách nước thành hydro và oxy. Vi khuẩn Ralstonia eutropha có nhiệm vụ chuyển hóa carbon dioxide và hydro thành Isopropanol - chất lỏng không màu, có mùi gần giống rượu. Chất lỏng này có thể được đốt cháy như nhiên liệu.
Hệ thống mô phỏng quá trình quang hợp của cây xanh. Dan Nocera - một trong những nhà nghiên cứu đến từ Harvard - đã làm việc với các hệ thống lá nhân tạo trong hơn một thập kỷ. Ông Dan Nocera cho biết: “Chất xúc tác mà tôi tạo ra có khả năng thích ứng rất tốt, tương thích với các điều kiện cần thiết cho sinh vật sống như vi khuẩn”.
Trong khi đó, Pamela Silver làm việc tại Viện Wyss cho rằng: “Đây là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể thu năng lượng mặt trời và dự trữ chúng dưới dạng chất lỏng”. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu đang phải đối mặt với thách thức là làm thế nào để tối ưu hóa hiệu suất của lá nhân tạo, chất xúc tác và vi khuẩn từ gần 1% lên mục tiêu 5%.
Càng ngày, năng lượng mặt trời càng trở nên phổ biến nhờ tiềm năng chuyển hóa thành các dạng năng lượng phục vụ trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, trong đó có công nghiệp ôtô. Đây cũng không phải lần đầu tiên ánh sáng mặt trời được chuyển hóa thành nhiên liệu. Trước đó, các nhà khoa học tại Trường Đại học Đông Anglia ở Anh cũng nghiên cứu sáng chế công nghệ quang hợp nhân tạo, từ đó biến năng lượng mặt trời thành hydro.