Chiếm tỷ lệ tới trên 70% dòng phương tiện tại các đô thị - khí thải từ xe máy đang là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng cần sớm xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe máy và tổ chức thực hiện Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy.
Quy định tiêu chuẩn khí thải và kiểm soát khí thải với phương tiện xe máy là việc làm cấp bách. Ảnh: Hữu Oanh
Khói xe gây ô nhiễm
Theo Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải), hiện có khoảng 1,9 triệu xe ô tô và 40 triệu xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành. Cùng với khoảng 100 nghìn xe ô tô các loại và 3 triệu xe mô tô, xe gắn máy được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu hàng năm. Thông tin tổng hợp từ 112 trung tâm đăng kiểm trên cả nước, năm 2014 có tổng số hơn 1,83 triệu xe đã vào kiểm định, năm 2015 có tới 1,86 triệu xe đã vào kiểm định.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc gia tăng lưu lượng, mật độ xe tại giờ cao điểm tạo ra áp lực rất lớn lên môi trường, đặc biệt là môi trường không khí tại các đô thị. Hiện trạng chất lượng đo được tại Hà Nội ở thời điểm quan trắc, bụi lơ lửng tổng số (TSP), bụi PM10 đều vượt hoặc xấp xỉ giới hạn cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. “Hầu hết các vị trí nghiên cứu tại Hà Nội (ngoại trừ khu vực Hồ Hoàn Kiếm) đã bị ô nhiễm bởi bụi TSP, PM10, Benzen. Một số vị trí khác có dấu hiệu ô nhiễm bởi NO2 và CO. Các thông số được theo dõi đều có quy luật diễn biến trong ngày tương đối giống nhau, giá trị cực đại thường đạt ở giờ cao điểm”, đại diện nhóm nghiên cứu, Ths Phạm Thị Trà kết luận.
Cần kiểm soát khí thải
Nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá, Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm cả quản lý và kỹ thuật nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí gây ra bởi các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như các kiểm soát: về niên hạn sử dụng, tiêu chuẩn phát thải, chất lượng nhiêu liệu... Đồng thời, các giải pháp về văn bản pháp luật hành chính cũng đều được áp dụng đầy đủ trong thực tế và theo lộ trình được vạch sẵn. Thế nhưng, một số chính sách chưa được quy định đầy đủ nên kết quả kiểm soát khí thải chưa được như mong đợi.
Do vậy, cần bổ sung quy định về kiểm soát niên hạn sử dụng cho đối tượng xe ô tô 4 chỗ đến 9 chỗ và xe gắn máy. Ngoài ra, có chính sách quy định sử dụng nhiên liệu sạch như Diesel sinh học, khí hóa lỏng, điện... cho hệ thống giao thông công cộng của các thành phố. Nên bổ sung có quy định về lắp đặt thiết bị xử lý khí thải trên xe máy, xe ô tô nhằm đáp ứng theo tiêu chuẩn phát thải Euro 3, Euro 4. Cũng như tăng cường công tác kiểm kê khí thải và giám sát chất lượng không khí liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ.
Vụ Môi trường cho rằng, cần sớm tổ chức triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro3, Euro 4. Nghiên cứu, ban hành lộ trình áp dụng mức tiêu thụ tiêu chuẩn khí thải cao hơn đối với xe ô tô đang lưu hành. Cùng với đó, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lô trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe mô tô, gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố và tổ chức thực hiện Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy.
Theo TS. Kwang Kyu Kang - Viện Môi trường Hàn Quốc, kinh nghiệm tại Hàn Quốc cần xây dựng cơ bản cho 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung vào các giải pháp: Kiểm soát xe; kiểm soát nơi làm việc; kiểm soát nguồn ô nhiễm khu vực và kiểm soát bụi lơ lửng. Giai đoạn 2 tập trung vào các giải pháp về kiểm soát xe như: Cung cấp xe “xanh”; tăng cường tiêu chuẩn khí thải với xe mới và quản lý theo dõi; quản lý khí thải với xe đang lưu hành; thực hiện chính sách vùng phát thải thấp. Khi thực hiện theo kế hoạch này thì kết quả ước tính sẽ giảm bụi PM 10 xuống 59% và PM2.5 xuống 53%; giảm 44% SO2; giảm 55% NO2; giảm 56% VOC. Đồng thời, ước tính chi phí y tế xã hội giảm được 5,93 triệu Won mỗi năm... |