Vào hồi 17 giờ chiều 29/11 (0 giờ sáng 30/11 giờ Việt Nam), tại thủ đô Paris (Pháp) đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP-21) của Liên Hợp Quốc năm 2015.
Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Paris (Ảnh: Reuters)
Tham dự Hội nghị có đại diện của 195 nước thành viên của Liên Hợp Quốc và 147 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các quốc gia, hơn 40 nghìn đại biểu và các cơ quan thông tấn báo chí toàn thế giới.
Nội dung của Hội nghị thượng đỉnh tại Paris lần này là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên trái đất. Theo đó, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận và kí kết một thỏa thuận mới về giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, một kế hoạch quốc gia về chống biến đổi khí hậu đã được trình bày ở 166 nước, nơi mà sản sinh ra khoảng 90% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Hội nghị về biến đổi khí hậu thế giới năm nay được bắt đầu sớm hơn một ngày so với kế hoạch. Do đó, các nước thành viên sẽ có nhiều thời gian để thảo luận các vấn đề khí hậu nóng bỏng, nhằm đạt được một chương trình hành động chung.
Từ thỏa thuận đạt được theo Nghị định thư Kyoto năm 1997, các thành viên Liên hợp Quốc đã nỗ lực để giảm lượng khí thải toàn cầu.
Sau sự thất bại tại Hội nghị Copenhagen năm 2009 về việc thuyết phục các nước phát triển giảm lượng khí thải công nghiệp, năm 2012, Liên hợp quốc đã quyết định gia hạn thời gian thực hiện Nghị định thư Kyoto đến hết năm 2020.
Một vấn đề cấp bách đặt ra trong những năm gần đây là sự cần thiết ký kết một thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu. Mục tiêu là tìm cách hạn chế sự nóng lên của trái đất (hạ xuống 2 độ C) vào năm 2020.
Bởi vì nếu nhiệt độ thế giới tăng thêm 2 độ C, nó sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước đang phát triển.
Các nước phát triển có lượng khí thải cao nhất toàn cầu (Ảnh: Shutterstock.com)
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong thập kỷ gần đây, lượng khí thải toàn cầu tăng từ 3-4%. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu là những nước có lượng khí thải ra môi trường nhiều nhất.
Các chuyên gia thế giới cho rằng, cần phải xây dựng một chiến lược dành cho các nước phát triển, giúp họ thích nghi với sư biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các quốc gia như Hoa Kỳ và Trung Quốc phải cam kết giảm lượng khí thải và tiêu thụ thấp các loại nhiên liệu hóa thạch, các chất đốt gây ra hiệu ứng nhà kính.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2015, giới quan sát đang mong chờ cuộc gặp giữa Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Sau vụ bắn rơi máy bay Su-24 và những sóng gió trong quan hệ Nga-Thổ, cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo hai nước này sẽ là tâm điểm làm nóng Hội nghị Thượng đỉnh tại Paris.
Hội nghị Thượng định về biến đổi khí hậu toàn cầu lần 21 tại Paris sẽ kéo dài từ ngày 30/11 đến ngày 11/12.