Một phiên thảo luận tại COP-21 ở Pa-ri (Pháp). Ảnh: Tân Hoa xã
Bất đồng đã xuất hiện trong ngày họp đầu tiên của COP-21 khi các quốc gia nghèo tiếp tục yêu cầu các nước giàu và công nghiệp phát triển chia sẻ trách nhiệm lớn hơn, bởi họ đã sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch phục vụ phát triển kinh tế nhiều thập niên vừa qua. Trong khi đó, Mỹ và các nước phát triển lại cho rằng, các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc, phải hành động nhiều hơn, bởi chính những nước này đang tiêu hao lượng lớn nhiên liệu hóa thạch. Ấn Độ cho rằng, các nước nghèo cần nguồn năng lượng hóa thạch để thoát nghèo, các quốc gia giàu nên đẩy nhanh cắt giảm lượng khí thải và ở mức độ cao hơn.
Tổng thống Bô-li-vi-a Ê.Mô-ra-lết cáo buộc chủ nghĩa tư bản đã gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và nhấn mạnh rằng, sự sống trên trái đất sẽ bị hủy hoại nếu các quốc gia không thay đổi mô hình phát triển kinh tế tư bản. Tổng thống Dim-ba-bu-ê R.Mu-ga-bê cũng chỉ trích các nước phát triển cố tình đẩy gánh nặng hạn chế lượng khí thải cho các nước nghèo.
Trong khuôn khổ COP-21, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cùng 13 cơ quan của LHQ phát động sáng kiến mới, mang tên “Dự báo, thích ứng và tái định hình”. Theo đó, hỗ trợ tăng năng lực của các nước trong việc dự báo nguy cơ, thích ứng tình huống bất ngờ và khôi phục phát triển. Sáng kiến sẽ hỗ trợ khoảng 634 triệu người đang sinh sống tại những khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ hạn hán và lũ lụt cao.
Tại COP-21, nhiều sáng kiến mới, trị giá nhiều tỷ USD, nhằm phát triển công nghệ sạch và giúp các nước nghèo thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững đã được công bố. Nổi bật là dự án có tên gọi “Sứ mệnh công nghệ mới”, do lãnh đạo 20 nước và chủ Tập đoàn Microsoft Bin Ghết khởi xướng, trong đó, các bên tham gia cam kết trong 5 năm tới tăng gấp đôi đầu tư cho công nghệ sạch…