Liên minh tập hợp khoảng 100 quốc gia, hướng tới mục tiêu kép: ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy giải pháp tăng trưởng giá rẻ.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 21, ngay trong ngày khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ cùng Tổng thống Pháp đã công bố thành lập Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế theo sáng kiến của Ấn Độ. Cùng với đó, nhiều sáng kiến khác đã được đưa ra.
Việc sử dụng các nguồn năng lượng như than đá làm cho Trái Đất nóng thêm. Ảnh: Gett
Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế tụ họp khoảng 100 quốc gia dồi dào năng lượng mặt trời nhằm tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên nhiều tiềm năng này trong mục tiêu kép: ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy giải pháp tăng trưởng giá rẻ.
Pháp, Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố tham gia là thành viên của liên minh này.
Phát biểu tại lễ công bố, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá cao ý tưởng của Chính phủ Ấn Độ - một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và đặc biệt của Thủ tướng Modi - nhà lãnh đạo rất tích cực trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Ban Ki-moon nói: "Một trong những phương tiện chủ chốt trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đấu tranh chống đói nghèo là phát triển năng lượng tái tạo. Đây là một trong những ý tưởng thành công nhất và chúng tôi đánh giá cao ý tưởng của Thủ tướng và chính phủ Ấn Độ trong việc thành lập liên minh năng lượng mặt trời. Liên Hợp Quốc xin chúc liên minh thành công. Chúng ta cần phát triển mà không phá hoại, như lời Thủ tướng Ấn Độ, và liên minh này sẽ giúp tận dụng nguồn năng lượng mặt trời và đóng góp vào phát triển các quốc gia nghèo. Tôi trông chờ các quốc gia phát triển sẽ cung cấp các công nghệ và giải pháp tài chính cho việc phát triển liên minh này."
Phát triển năng lượng mặt trời là trọng tâm của kế hoạch quốc gia của Ấn Độ, với mục tiêu đạt 100 gigawatt vào năm 2022 và tăng nhiều hơn nữa trong tương lai. Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh ý tưởng "giá rẻ" này có thể giúp tận dụng các nguồn vốn vay nước ngoài, giúp giảm giá thành các cơ sở năng lượng mặt trời tại Ấn Độ.
Ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị COP 21, một loạt sáng kiến đã được đưa ra nhằm ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và tìm giải pháp tài chính "giá rẻ" cho các nỗ lực ứng phó đó.
Sáng kiến của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra sáng kiến mới để tăng khả năng chịu đựng cho những nước bị tổn thương nhiều nhất trên thế giới vì tác động của biến đổi khí hậu. Sáng kiến gồm có áp dụng các hệ thống cảnh báo sớm; thiết lập bảo vệ xã hội và bảo hiểm; nâng cao năng lực, xây dựng và củng cố cơ sở hạ tầng bền vững để ứng phó... Trong đó, lĩnh vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai sáng kiến này.
Sáng kiến sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của khoảng 634 triệu người trên thế giới, tương đương khoảng 1/10 dân số toàn cầu sống tại những vùng ven biển có nguy cơ cao bị nhấn chìm nếu trái đất tiếp tục nóng lên; cũng sáng kiến này sẽ giúp huy động nguồn tài chính và hiểu biết; thúc đẩy các mối quan hệ đối tác lên tầm cao, tăng cường phối hợp các hoạt động để đạt được những kết quả rõ rệt.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói: “Có những người mà hành động của họ rất tác động rất nhỏ đến tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng họ lại phải chịu mất nhà cửa, mất việc làm và thậm chí cả mạng sống bởi những tác động ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu. Đó là lý do vì sao tôi yêu cầu hệ thống các tổ chức, cơ chế của Liên Hợp Quốc cùng áp dụng một gói các sáng kiến để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương nhất.”
Được biết, có 13 cơ quan của LHQ tham gia sáng kiến của Tổng thư ký Ban Ki-moon như FAO, UNEP, UNFCCC, UNICEF, UNESCO, WHO, UNFPA, WEF...
Đánh thuế, định giá đối với lượng khí thải carbon
Đánh thuế, định giá đối với lượng khí thải carbon cũng là một ý tưởng đáng chú ý được đưa ra ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị COP 21. 6 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước gồm Pháp, Chile, Ethiopia, Đức, Mexicovà Canada và ban lãnh đạo Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã kêu gọi các nước, các công ty ủng hộ ý tưởng của họ về việc đánh thuế đối với lượng khí thải carbon.
Các nước nêu sáng kiến này tuyên bố mục tiêu là đưa ra một mức giá hợp lý đánh vào lượng khí thải carbon trên khắp thế giới để hạn chế mức thải vào bầu khí quyển toàn cầu.
Hiện nay, có khoảng 40 nước và 23 thành phố đã thực hiện chính sách đánh thuế đối với lượng khí thaỉ với những chương trình và cơ chế cho một lượng khí thải chiếm khoảng 12% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Báo cáo mới của Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng số quốc gia thực hiện việc định giá đánh vào khí thải trên thế giới đã tăng gần gấp đôi từ năm 2012 và đến nay thu được khoảng 50 tỷ USD./.